Trưa 31.7, sau khi khảo sát hiện trường vụ sạt lở đèo Bảo Lộc, đến thăm gia đình đại úy Lê Ánh Sáng (chiến sĩ CSGT hy sinh tại Trạm CSGT đèo Bảo Lộc), Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cùng lãnh đạo một số bộ, ngành có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng.
Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo với phó thủ tướng và đoàn công tác về tình hình mưa bão trên địa bàn diễn biến rất phức tạp, trong đó có vụ sạt lở nghiêm trọng trên đèo Bảo Lộc làm 4 người thiệt mạng.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Không để trường hợp sạt lở tương tự như đèo Bảo Lộc
Theo ông Hiệp, ngay khi vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc xảy ra, tỉnh đã huy động các lực lượng, phương tiện khẩn trương tìm kiếm những người bị đất đá vùi lấp. Trong đêm 30.7 đã tìm thấy thi thể 3 cán bộ, chiến sĩ CSGT tử nạn. "Dù thời tiết tiếp tục mưa, rất khó khăn cho việc cứu hộ, nhưng các lực lượng vẫn nỗ lực tìm kiếm nạn nhân còn lại, khẩn trương giải phóng hiện trường sạt lở để sớm lưu thông trở lại trên đèo Bảo Lộc", ông Hiệp thông tin.
Thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang biểu dương Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã kịp thời chỉ đạo các lực lượng và huy động phương tiện nhanh chóng tiếp cận hiện trường triển khai công tác cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân mất tích. "Với tinh thần trách nhiệm rất cao, không quản ngại khó khăn, vất vả, nguy hiểm, dầm mình trong mưa, các lực lượng đã thực hiện việc cứu hộ rất bài bản và hiệu quả. Đây là kinh nghiệm quý báu không chỉ cho Lâm Đồng mà cả các địa phương khác", Phó thủ tướng chia sẻ, đồng thời lưu ý: "Tuyệt đối không để xảy ra sự cố sạt lở nào nữa, không để sự cố chồng lên sự cố, phải đảm bảo tuyệt đối cho lực lượng cứu hộ cứu nạn".
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cũng nhấn mạnh, thời gian tới, thời tiết tiếp tục diễn biến cực đoan, phức tạp, do đó địa phương cần chuẩn bị tốt các phương án ứng phó với thiên tai, bão lũ. Qua thống kê, trên địa bàn Lâm Đồng vẫn còn 163 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở đất nên địa phương phải tiếp tục triển khai rà soát, di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Tại buổi làm việc, ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, cho biết hiện nay một số tuyến quốc lộ cửa ngõ trên địa bàn cũng xuất hiện điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân. Do đó, tỉnh Lâm Đồng kiến nghị phó thủ tướng và các bộ, ban ngành quan tâm, hỗ trợ địa phương sớm hoàn thành các thủ tục để nhanh chóng triển khai tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương trong thời gian tới.
Xem nhanh 20h ngày 31.7: Tìm nguyên nhân sạt lở thảm khốc đèo Bảo Lộc | Nước thải ‘vây’ biển Nha Trang
Sau kiến nghị của địa phương, phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương rà soát, khắc phục các điểm sạt lở, tiến hành nâng cấp các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; nhất trí với đề nghị của tỉnh về sớm đẩy nhanh khởi công tuyến cao tốc Dầu Giây - Bảo Lộc nhằm giảm tải cho QL20. "Về phía các đồng chí hy sinh trong vụ sạt lở đèo Bảo Lộc, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để sớm cấp bằng Tổ quốc ghi công cho họ", Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ.
Trưa ngày 31.7, đại tá Trương Minh Đương, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết đang làm tờ trình gửi cơ quan chức năng thăng hàm cho 3 cán bộ, chiến sĩ CSGT hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại Trạm CSTG đèo Bảo Lộc.
Bình luận (0)