Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết đây là cơn bão rất mạnh. Tâm bão dự kiến đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh ven biển Nam Trung bộ và sẽ có mưa cực lớn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị lãnh đạo các tỉnh báo cáo nhanh tình hình hình chuẩn bị các phương án đối phó với cơn bão Damrey (10 tỉnh thành từ Đà Nẵng trở vào Bình Thuận).
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý các tỉnh đặc biệt chú ý phương án di dời dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở đất cao; phương án neo đậu tàu thuyền ở các cảng biển và các lồng bè trên biển.
Theo báo cáo của các tỉnh, hiện nay việc neo đậu tàu thuyền suốt khu vực ven biển đã hoàn tất. Hàng nghìn khu dân cư đã được chuẩn bị di dời trước khi bão đổ bộ.
Thiếu tướng Ngô Trí Đức, Phó tư lệnh Quân khu 5 cho biết hơn 10.000 cán bộ chiến sĩ, hơn 20.000 dân quân tự vệ và hàng nghìn phương tiện xe, máy tại các địa phương đã sẵn sàng cho các phương án cứu hộ cứu nạn và di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất.
Thiếu tướng Đức đề nghị các tỉnh ven biển cần chủ động sớm sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy hiểm trước khi bão đổ bộ để đảm bảo tính mạng và tài sản của dân.
Bộ trưởng Cường cho biết thêm, đến 15 giờ ngày 3.11, bão chỉ còn cách bờ biển 400 km. Dự báo, cơn bão không chỉ mạnh mà còn gây mưa lớn trên diện rộng.
“Nếu chúng ta chủ quan thì sẽ dễ xảy ra nguy cơ thiệt hại về người và tài sản. Mức độ rủi ro là cấp độ 4 (cực mạnh)”, Bộ trưởng Cường nói. Bộ trưởng cũng lưu ý các tỉnh dù tàu thuyền đã đã neo đậu, nhưng nếu chủ quan không triển khai đồng bộ các biện pháp khác vẫn có thể xảy ra rủi ro cao. Đặc biệt là các hồ đập chứa nước phải tuyệt đối an toàn. Đối với những vùng trũng, khi mưa lớn có thể xảy ra chia cắt giao thông, gây mất điện, mất liên lạc, gây khó khăn cho công tác chỉ đạo cứu hộ.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo 10 tỉnh thành, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao tính chủ động của các tỉnh trong phòng chống cơn bão này. Phó thủ tướng cũng biểu dương các lực lượng quân đội, đặc biệt là Quân khu 5 trong việc sẵn sàng ứng cứu giúp dân khi cơn bão đổ bộ.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, trong tuần này diễn ra APEC do vậy phải vừa chống bão nhưng cũng phải làm tốt công tác tổ chức cho hội nghị APEC. Phó thủ tướng yêu cầu các tỉnh phải thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo, trước hết phải đảm bảo an toàn tính mạng của người dân. Rà soát xem còn tàu thuyền nào chưa vào bờ không. Yêu cầu người dân trên các lồng bè trên biển phải vào bờ hết, không được chủ quan. Không để bà con tiếc tài sản, không vào nơi an toàn trú ẩn. Rà soát các phương án sơ tán dân xem còn thiếu sót gì. Đã có phương án rồi thì phải triển khai triệt để việc sơ tán dân ngay trong đêm nay. Những hộ dân không chịu sơ tán ra khỏi vùng nguy hiểm thì phải cưỡng chế sơ tán. Đề nghị các tỉnh phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho khách du lịch đang trú trong các khách sạn.
Phó thủ tướng cũng lưu ý việc vận hành các hồ đập sao cho vừa bảo đảm tài sản nhưng cũng không được để xảy ra sự cố khi xả hồ đập. Bộ Công an, Bộ GTVT phải chuẩn bị tốt phương án đảm bảo an toàn giao thông, tránh tình trạng bão đổ bộ thì không sao, nhưng sau bão thì bị thiệt hại.
Phó thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng chủ động phối hợp với các bộ, ngành đảm bảo phương án về điện, giao thông và nhất là ngập nước khi hội nghị APEC diễn ra tại thành phố này.
Một tàu cá hết nhiên liệu, thả trôi trên vùng biển có gió cấp 6, cấp 7
Tối 3.11, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết đến 16 giờ cùng ngày, tỉnh này vẫn còn 22 tàu cá đang nằm trong vùng nguy hiểm. Các cơ quan chức năng và chính quyền tỉnh Bình Định đang tiếp tục liên lạc, gọi các tàu này thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Khoảng 12 giờ 35 phút ngày 3.11, tàu cá BĐ 95956 TS, trên tàu có 2 người, do ông Đỗ Văn Mốt (ở xã Hoài Hương, H.Hoài Nhơn, Bình Định) làm thuyền trưởng, đang trên đường chạy vào bờ thì hết nhiên liệu, thả trôi tại vùng biển cách bờ biển TP.Quy Nhơn 40 hải lý về hướng đông nam.
Hiện tàu cá BĐ 95956 TS đang thả trôi với tốc độ 0,4 hải lý/giờ, thời tiết trong khu vực có gió Đông Bắc cấp 6-7.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Hệ thống Thông tin Duyên hải Việt Nam đã triển khai phát quảng bá để kêu gọi các phương tiện hoạt động gần khu vực trên tăng cường quan sát và trợ giúp lai kéo tàu BD 95956 TS.
Các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định đang liên lạc với các tàu trong tổ đội đến hỗ trợ giúp đỡ tàu cá này.
Đưa mai đi tránh bão
Do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh mạnh và bão số 12, trên địa bàn tỉnh Bình Định bắt đầu có mưa to và gió lớn.
Tại xã Nhơn An (TX.An Nhơn, tỉnh Bình Định), nơi được mệnh danh là vừa mai miền Trung, hầu hết các hộ trồng mai ngoài ruộng đều tất bật huy động nhân công vận chuyển mai đi tránh lũ. Nhiều gia đình phải đưa mai lên vệ đường, trong sân, trong hiên nhà để khỏi ngập nước.
Xã Nhơn An có hơn 1.000 hộ dân chuyên canh hoa mai cảnh phục vụ dịp tết. Mỗi năm, tổng doanh thu của người dân xã Nhơn An từ mai tết khoảng từ 15 đến 18 tỉ đồng. Tuy nhiên, gặp năm mưa lũ, thời tiết thất thường, người trồng mai sẽ thất thu.
“Hiện các nhà vườn ở xã Nhơn An trồng hơn 2 triệu chậu mai các loại. Để chủ động phòng tránh tình trạng cây mai bị ngập úng như đợt mưa lũ xảy ra vào năm 2016, chính quyền xã đã vận động người trồng mai khẩn trương di chuyển lượng mai dự tính sẽ bán vào dịp Tết năm 2018 lên khu vực có địa hình cao ráo để giảm thiểu thiệt hại nếu có lũ xảy ra”, ông Nguyễn Tấn Đức, Chủ tịch UBND xã Nhơn An, nói.
Hoàng Trọng
|
tin liên quan
Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão DamreySáng nay 2.11, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão thứ 12 và có tên quốc tế là Damrey.
Bình luận (0)