Phó thủ tướng yêu cầu giải 'cơn khát' cát đắp cho hai cao tốc vùng ĐBSCL

05/06/2023 09:00 GMT+7

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc điều phối vật liệu cát san lấp các tỉnh khu vực ĐBSCL.

Trong công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ GTVT và các địa phương liên quan, Phó thủ tướng đề nghị UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long ưu tiên bố trí ngay nguồn cát đắp cho các dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau (thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau) với khối lượng của năm 2023.

Phó Thủ tướng yêu cầu giải 'cơn khát' cát đắp cho hai cao tốc vùng ĐBSCL - Ảnh 1.

Thiếu cát đắp nền đe dọa tiến độ các tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn chạy qua vùng ĐBSCL

ĐÌNH TUYỂN

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương liên quan xác định cụ thể vị trí các khu vực mỏ, sớm triển khai các công việc cần thiết để cung cấp vật liệu cho các dự án. Bộ GTVT có trách nhiệm chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh để thực hiện các thủ tục khai thác mỏ theo quy định.

Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao hướng dẫn các địa phương, các chủ đầu tư, nhà thầu về các thủ tục khai thác mỏ, việc nâng công suất khai thác mỏ theo quy định.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được xem là tuyến quan trọng nhất vùng ĐBSCL khi kết nối nhiều tỉnh thành. Điểm đầu dự án tại nút giao IC2 (nút giao nối vào quốc lộ 91 - Nam Sông Hậu, TP.Cần Thơ), điểm cuối nối tuyến tránh TP.Cà Mau. Công trình khởi công ngày 1.1, dự kiến đưa vào sử dụng đầu năm 2026.

Giai đoạn 1, dự án có tổng mức đầu tư hơn 27.200 tỉ đồng, rộng 17 m, 4 làn, chia làm hai dự án thành phần: Cần Thơ - Hậu Giang dài 36,7 km, vốn đầu tư trên 9.700 tỉ đồng; đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài 72,8 km, vốn gần 17.500 tỉ đồng. Phần lớn dự án đi qua ruộng lúa, kênh rạch, sông ngòi - những nơi có địa chất yếu cần nhiều cát đắp nền.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng nhu cầu cát cho dự án hơn 18 triệu m3, trong đó, nhu cầu trong năm 2023 khoảng 9,1 triệu mnhưng đến nay lượng cát đáp ứng rất ít. Các địa phương mới có kế hoạch cung cấp cho dự án khoảng 3 triệu m3.

Hịện nay, Bộ đang xây dựng đề án "Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL". Bộ GTVT cũng đang triển khai thi công thử nghiệm cát biển sử dụng cho các dự án hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL, dự kiến sẽ có kết quả đánh giá vào cuối năm 2023. Như vậy, nhanh nhất cũng phải đến cuối năm 2023 mới có thể xác định được khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của cát biển sử dụng làm vật liệu san lấp cho các dự án cao tốc. Trước mắt trong năm 2023, nguồn vật liệu san lấp cho các dự án chủ yếu vẫn là cát sông.

Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long phân bổ nguồn cát cho dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang để đáp ứng kế hoạch triển khai trong năm 2023. Cụ thể, tỉnh An Giang và Đồng Tháp, mỗi tỉnh phải cung cấp khoảng 3,3 triệu m3, riêng tỉnh Vĩnh Long cung cấp khoảng 2,5 triệu m3 để bảo đảm tiến độ thi công.

CHUYỂN ĐỘNG KINH TẾ ngày 6.6: Đề xuất tăng phí đăng kiểm | OPEC+ cắt giảm sản lượng, giá dầu bật tăng



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.