Phó thủ tướng: Yếu tố văn hóa có giá trị cốt lõi cho sự phát triển của Lâm Đồng

23/06/2024 14:48 GMT+7

Đó là lời chia sẻ của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang tại hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư.

Sáng 23.6, tại TP.Đà Lạt, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang tham dự hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và xúc tiến đầu tư do UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức. 

Phó thủ tướng: Yếu tố văn hóa có giá trị cốt lõi cho sự phát triển của Lâm Đồng- Ảnh 1.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang trao Quyết định số 1727/QĐ-TTg ngày 29.12.2023 phê duyệt quy hoạch tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2030

LÂM VIÊN

Theo ông Võ Ngọc Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1727/QĐ-TTg ngày 29.12.2023. Để thực hiện thành công các mục tiêu quy hoạch tỉnh, trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách; đồng thời quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Phó thủ tướng: Yếu tố văn hóa có giá trị cốt lõi cho sự phát triển của Lâm Đồng- Ảnh 2.

Trung tâm TP.Đà Lạt

BÁ DUY

Ông Hiệp cho biết thêm, Lâm Đồng lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhà nước, tư nhân và xã hội để đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tiếp tục tập trung thu hút đầu tư, trọng tâm là phát triển hướng tới năm 2030 là tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; lấy phát triển nông, lâm nghiệp làm trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá.

Lâm Đồng là tỉnh miền núi phía nam Tây nguyên, giữa 3 vùng kinh tế lớn là vùng Tây nguyên, Duyên hải miền Trung và vùng Đông Nam bộ, ở độ cao từ 300m đến 1.500m so với mặt nước biển. Do đó, tỉnh Lâm Đồng có nhiều tiềm năng và lợi thế để trở thành khu kinh tế động lực của vùng Tây nguyên.

Xây dựng TP.Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, trung tâm giáo dục nghiên cứu, sáng tạo khoa học. Cụ thể xây dựng ngành du lịch Lâm Đồng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chất lượng cao và bền vững, tạo động lực cho sự phát triển của các ngành liên quan. Phấn đấu đến 2030 Lâm Đồng trở thành "Thiên đường xanh" với sức hút của các trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.

Đặc biệt, trong thời gian tới tỉnh Lâm Đồng sẽ ưu tiên 227 dự án gồm các lĩnh vực giao thông vận tải, công nghiệp, văn hóa, thể thao và du lịch, giáo dục và đào tạo, thương mại, dịch vụ, khu dân cư, khu đô thị, nông nghiệp, bảo vệ môi trường, khai thác khoáng sản và khối hành chính.

Mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021- 2030 đạt 8,5 - 9%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng/người/năm. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội hàng năm chiếm khoảng 35 - 36% GRDP; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 54,2%, đến năm 2030 đạt 59,3%.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, tỉnh Lâm Đồng đã phát triển được nền nông nghiệp công nghệ cao là mẫu mực cho sự phát triển nông nghiệp của cả nước. Theo quy hoạch tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2030 hướng đến năm 2025, chắc chắn cơ cấu phát triển nông nghiệp, công nghiệp sẽ có sự thay đổi. Với những gì Lâm Đồng đã và đang có, Chính phủ kỳ vọng tỉnh Lâm Đồng sẽ vượt qua những khó khăn, trở ngại để phát triển.

Phó thủ tướng: Yếu tố văn hóa có giá trị cốt lõi cho sự phát triển của Lâm Đồng- Ảnh 3.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị

LÂM VIÊN

Theo Phó thủ tướng, yếu tố văn hóa có giá trị cốt lõi cho sự phát triển. Lâm Đồng nói chung, Đà Lạt nói riêng có yếu tố văn hóa rất đặc biệt ngoài những tiềm năng đã và đang có. "Theo kinh nghiệm của tôi, các nhà đầu tư khi đến một địa phương nào đó không chỉ vì tiềm năng mà còn tùy vào thái độ của chính quyền, văn hóa ứng xử với nhà đầu tư, mong Lâm Đồng sẽ lưu ý và làm tốt điều này để thu hút các nhà đầu tư", Phó thủ tướng nhấn mạnh. 

Về thực hiện quy hoạch, Phó thủ tướng yêu cầu Lâm Đồng cần thực hiện tốt 8 chữ "tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ, thấu hiểu". Tuân thủ để đảm bảo sự đúng hướng, phát triển bền vững trong tương lai, linh hoạt trong cách làm bởi để đạt được mục tiêu phải có nhiều cách, quá trình thực hiện quy hoạch chắc chắn sẽ phát sinh nhiều vấn đề bất cập, cần phải điều chỉnh. Quy hoạch tỉnh phải phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành; phải tuyên truyền, vận động để cán bộ, người dân, doanh nghiệp hiểu, chia sẻ, đồng thuận, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động.

Phó thủ tướng: Yếu tố văn hóa có giá trị cốt lõi cho sự phát triển của Lâm Đồng- Ảnh 4.

Lâm Đồng trao giấy chứng nhận đầu tư, bản ghi nhớ đầu tư cho 12 doanh nghiệp

LÂM VIÊN

Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng cũng đẩy mạnh cơ cấu kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại nông nghiệp hướng đến nền nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại, là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế.

Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp gắn kết với nông nghiệp, du lịch và khai thác tài nguyên khoáng sản theo hướng chọn lọc, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã trao giấy chứng nhận đầu tư, bản ghi nhớ đầu tư cho 12 doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư khoảng 6 tỉ USD.

Sáng cùng ngày, tại sân bay Liên Khương, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang dự lễ công bố quyết định chuyển Cảng hàng không Liên Khương thành Cảng hàng không quốc tế Liên Khương. 

Liên Khương hiện là sân bay cấp 4D theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Sân bay có đường băng dài 3.250m, rộng 45m đáp ứng khai thác chủng loại máy bay code D như máy bay Boeing B757, Airbus A300 và tương đương trở xuống. 

Theo Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7.6.2023 của Thủ tướng Chính phủ, Cảng hàng không Liên Khương quy hoạch đến năm 2030 có diện tích gần 341ha, định hướng đến năm 2050, cảng hàng không này có quy mô diện tích gần 487ha, đón 5 triệu du khách.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.