Chuyện ngày xưa
Một đoạn chiều dài 500 mét trên con đường Nguyễn Công Trứ hiện là bộ mặt của các công ty chứng khoán như Bảo Việt, Đông Á, BSC, Sài Gòn, Tầm nhìn, Đại Việt, Phương Đông, Nông nghiệp…
Ngoài ra, còn có sự hiện diện của một loạt công ty tài chính, ngân hàng khác như Công ty Bảo hiểm Bảo Minh, Bảo Việt, Ngân hàng BIDV, Việt Á, Ngân hàng Nông nghiệp… và có cả Văn phòng đại diện của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Có lẽ, con đường Nguyễn Công Trứ nên được ghi vào kỷ lục Việt Nam về sự dày đặc nhất số văn phòng của các tổ chức tài chính được sắp đặt trên đơn vị mét chiều dài. Đây cũng là trục đường trung tâm tạo nên "khu phố Wall" của Sài Gòn.
“Phố Wall” là một khu vực hình chữ nhật có diện tích khoảng 150.000m2: hai cạnh chiều dài là đại lộ Hàm Nghi và Bến Chương Dương (xa lộ Đông Tây), hai cạnh chiều rộng là đường Hồ Tùng Mậu và Phó Đức Chính.
Khu vực này cũng là điểm khởi đầu của hai con phố chính theo trục Bắc Nam của khu vực trung tâm TP.HCM là Pasteur và Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Vậy mà có thời khu vực này hoàn toàn nằm ngoài tầm ngắm của giới bất động sản, tài chính.
Tháng 4/2000, tạp chí Asia Wall Street Journal có một bài viết ghi nhận sự chuẩn bị cho việc ra đời thị trường chứng khoán tại Việt Nam. Bài viết đề cập đến yếu tố địa lý, lịch sử của “Phố Wall” ngày nay. Đáng tiếc là hồi đó, họ nhìn nhận và miêu tả quá nhiều về hình ảnh nhếch nhác do những thành phần vô gia cư bày ra ngay trước trụ sở Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM bên cạnh những tệ nạn xã hội tại khu vực này.
Thiên thời địa lợi
Sài Gòn là một thành phố kỳ lạ, nơi mà sự thay đổi chóng mặt có thể biến cư dân lâu đời một ngày thấy mình là người khách lạ. Tại khu vực "Phố Wall", hầu hết người dân ở đây đều bất ngờ về sự đổi thay trong 2 năm gần đây.
Sáng đầu tuần, nhiều nhà đầu tư bị chặn lại bởi các tay "cò giữ xe" khi còn cách sàn giao dịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn hàng trăm mét. Chưa đến cửa vào sàn thì lại có vài tay bán báo dạo khác vây quanh.
Sàn SSI trên đường Nguyễn Công Trứ là sàn rộng nhất, được đầu tư bài bản và luôn đông khách nhất. Ít người nhớ rằng, ngày trước trụ sở SSI được đặt tại số 7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Chuyện là khi SSI đang ăn nên làm ra, Ngân hàng BIDV gần đó, rồi các công ty dầu khí cũng rất muốn địa điểm trên. SSI buộc phải chuyển qua địa điểm hiện nay, thuê lại của Vietnamtourism.
Kinh doanh thuận lợi, sàn giao dịch ở đây lớn lên gấp đôi, rồi gấp 4 lần mà vẫn chật cứng người. Khi Vietnamtourism cổ phần hóa, một cuộc "đấu pháo" mà nguyên nhân chính cũng là lô đất tại đây đã diễn ra và phần thắng dường như thuộc về SSI, tưởng như thế là chắc. Thế mà mới đây, dự án bất động sản tại vị trí sàn SSI lại thuộc về một công ty bất động sản có trụ sở tại Hà Nội.
Hai tháng trước, một nhà đầu tư chứng khoán đã mua một căn nhà phố bề ngang 4 mét trên đường Nguyễn Công Trứ với giá hơn 1.000 lượng vàng SJC, nhưng cư dân ở đây cho rằng, đó là chuyện không đáng ầm ĩ.
Từ 2 năm qua, người ta đồn nhau về việc hàng loạt tổ chức tài chính trong nước như ngân hàng Đông Á, Bảo hiểm Viễn Đông, ngân hàng Nam Việt... và cả tổ chức tài chính nước ngoài cũng tính đến việc thôn tính các khu nhà dân để xây dựng đại bản doanh tại đây.
“Phố Wall” ngày nay
Ông Bùi Văn Tuynh, Giám đốc Công ty Chứng khoán Đại Việt (DVSC) nhận xét: mua nhà ở khu vực này phải mua từng căn một, thời gian đàm phán kéo dài, thủ tục khá mất công, hơn nữa giá không hề rẻ, nhưng các tổ chức vẫn chịu khó xếp hàng. Nghĩa là vị trí trung tâm tài chính của khu vực này là không thể thay thế.
Cả trăm năm trước, ngân hàng HSBC đã chọn xây trụ sở và tòa nhà này hiện được ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM sử dụng. Qua biết bao thăng trầm của lịch sử, "Phố Wall" vẫn là vùng đất hứa của các tổ chức tài chính.
Cũng vì lý lẽ đơn giản đó, cuối năm 2006 DVSC quyết định dời trụ sở từ một tòa nhà văn phòng khang trang trên đường Pasteur về tòa nhà Savimex trên đường Nguyễn Công Trứ. Hiệu quả thấy rõ, lượng khách hàng đến mở tài khoản mỗi tháng tăng gấp 2 - 3 lần và chẳng bao lâu, DVSC phải quyết định mở thêm một sàn giao dịch 400m2 để phục vụ nhà đầu tư. Đến nay, mặc dù DVSC hoạt động chưa tròn 1 năm nhưng đã có 5.000 tài khoản, trong đó 70% tài khoản giao dịch thường xuyên.
Từ thành công của DVSC, các công ty chứng khoán mới cũng lần lượt kéo về khu vực này và tòa nhà Savimex - một tòa nhà văn phòng 7 tầng xây dựng từ những năm 1990 trở nên có giá. Hiện nay, tòa nhà là chỗ an cư của 4 công ty chứng khoán (thuê chọn 5 tầng) và chi nhánh một ngân hàng.
Dọc đường Nguyễn Công Trứ ngày nay, người ta nhìn thấy vô số quán xá. Lực lượng các bác xe ôm kéo về đây cũng đông gấp nhiều lần. Bên cạnh các công ty chứng khoán, nhiều nhà phố mở rộng cửa để giữ xe thu bạc lẻ; người tinh ý sẽ nhận ra căn nhà đã đổi chủ và chủ nhân mới còn bận mua thêm vài căn nữa mới tính chuyện xây mới và kinh doanh.
Tương lai
Thị trường chứng khoán từ lâu đã được biết là có mối dây liên kết với thị trường bất động sản. Chứng khoán phất lên thì những vị trí đất đẹp ở Sài Gòn "nẻ" ra vàng như đất "Phố Wall" cũng là chuyện dễ hiểu. Bộ mặt của thị trường chứng khoán Việt Nam 2000 - 2003 tưởng không thể thay đổi, nhưng đã thực thay đổi. Tệ nạn xã hội và hình ảnh nhếch nhác được thế chỗ bởi hình ảnh nghiêm túc và hào nhoáng của thế giới tài chính.
Theo kế hoạch đến cuối năm 2008, đường hầm vượt sông nối liền quận 1 với khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) sẽ được hoàn thành và đầu nối phía quận 1 chính là "Phố Wall". Thời điểm này dự án xa lộ Đông Tây cũng đã hoàn thành tạo một bộ mặt đẹp ở mặt tiền Sở Giao dịch Chứng khoán. Quận 4, phía đối diện Sở Giao dịch, mang một tấm áo đẹp hơn nhờ công tác chỉnh trang đô thị.
Khi quá trình thôn tính của các tập đoàn tài chính tại khu vực “Phố Wall” hiện nay hoàn tất, có thể tiên đoán rằng, khu vực “Phố Wall” mở rộng theo trục đường Nguyễn Công Trứ sẽ phát triển đến mức không tưởng.
Theo ghi nhận, Chợ Dân Sinh (cách “Phố Wall” không đến 1.000 mét) từng là nơi tiêu thụ nhiều hàng hóa không có nguồn gốc, nhưng cũng đang được định giá "tấc đất tấc vàng".
Theo báo Đầu Tư
Bình luận (0)