Phơi nắng có diệt được virus SARS-CoV-2?

Liên Châu
Liên Châu
30/07/2021 15:55 GMT+7

Virus SARS-Cov-2 có thể bị bất hoạt bởi hóa chất khử khuẩn, tia cực tím (ánh nắng mặt trời). Tuy nhiên, tắm nắng, phơi nắng lại không thể diệt được chúng và không thể điều trị Covid-19 .

TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, khi virus (SARS-CoV-2) rơi vào môi trường có tia cực tím thì nó sẽ bị tiêu diệt trong thời gian ngắn. Nếu bề mặt đồ vật có virus, khi đưa ra trời nắng với nhiệt độ cao và tia cực tím thì nó chết nhanh. Do đó, người ta dùng đèn tia cực tím trong phòng khám để tiệt khuẩn.
“Nhưng, điều đó không có nghĩa, mang người nhiễm SARS-CoV-2 ra phơi nắng thì sẽ diệt được virus. Bởi vì, virus này xâm nhập qua đường hô hấp, nó nằm trong phổi của người bị nhiễm. Do đó, khi phơi nắng (có tia cực tím) thì cũng không thể tác động được đến chúng, vì vậy, không thể diệt được virus SARSCoV trong phổi người bệnh”, TS Huy Nga giải thích.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, lưu ý dù tia cực tím có thể diệt virus trong khoảng thời gian cần thiết, nhưng phơi nắng không giúp diệt virus trong cơ thể.

Hình ảnh phổi trắng xóa gây suy hô hấp do virus SARS-CoV-2 tấn công. Trong phổi người, virus này không thể bị tiêu diệt khi người nhiễm phơi nắng, tắm nắng.

ẢNH THẾ THẠCH

“Phơi nắng, tắm nắng lâu lại dễ ốm do nắng nóng. Trong khi đó, SARS-CoV-2 ở trong phổi người, không chịu tác động trực tiếp của tia cực tím. Khi chiếu tia, khi người đó phơi dưới nắng gay gắt thì nó vẫn ở trong người, rồi tiếp tục lây cho người xung quanh do tiếp xúc gần. Các ca lây nhiễm so SARS-CoV-2 đa số lây trong nhà, không gian kín không thông thoáng...”, PGS Phu giải thích.
Các chuyên gia khuyến cáo, để ngừa lây nhiễm, mỗi người cần thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, tiêm vắc xin đầy đủ theo hướng dẫn của nhân viên y tế; chấp hành giãn cách khi được yêu cầu.

Với chủng Delta, các triệu chứng thường gặp khi mắc Covid-19 là gì?

Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid19 của Bộ Y tế, từ tháng 12.2019, chủng virus Corona mới (SARS-CoV-2) đã được xác định là căn nguyên gây dịch Viêm đường hô hấp cấp tính (Covid-19) tại TP.Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), sau đó lan rộng ra toàn thế giới gây đại dịch toàn cầu.
Virus SARS-CoV-2 lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp (như qua giọt bắn, hạt khí dung, không khí) và qua đường tiếp xúc. Virus cũng có khả năng lây truyền cao tại các cơ sở y tế, những nơi đông người và ở không gian kín. Bên cạnh đó, virus cũng liên tục biến đổi tạo ra nhiều biến thể khác nhau trên toàn thế giới làm cho khả năng lây lan mạnh hơn và khó kiểm soát hơn.
Trước đó, virus Corona (CoV) được biết đến là một họ vi rút lây truyền từ động vật sang người và gây bệnh cho người từ cảm lạnh thông thường đến các tình trạng bệnh nặng, đe dọa tính mạng của người bệnh như hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV) năm 2002 và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) năm 2012.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.