Triển lãm Phơi những vết thương hở miệng do Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tổ chức tại ĐH Mỹ thuật Hà Nội từ ngày 17 - 30.12, với 20 tác phẩm, kể 20 câu chuyện từ chính người trong cuộc.
Ban tổ chức cho biết, bạo lực tình dục là loại bạo lực ẩn giấu sâu nhất trong các dạng bạo lực. Nạn nhân cảm thấy khó khăn khi đối diện với câu chuyện của chính mình. 87% số phụ nữ bị bạo lực này đã không tìm kiếm bất cứ sự giúp đỡ nào từ các dịch vụ hoặc cơ quan có trách nhiệm. “Không dễ để phơi bày những trải nghiệm đau lòng, nhưng những người trong cuộc, với sự dũng cảm và nỗ lực, với mong muốn thay đổi cái nhìn của cộng đồng, đã làm được điều ấy”, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc CSAGA, cho biết.
Những câu chuyện trong triển lãm khá đa dạng, cả nội dung lẫn cách thể hiện. Có bộ 3 ảnh chia cơ thể thành 3 phần với những câu hỏi ghi trên da thịt: “Da tôi có gây phiền bạn không?”, “Ngực tôi có gây phiền bạn không?”, “Đùi tôi có gây phiền bạn không?”. Những câu hỏi này muốn nói: “Cơ thể tôi, quyền tôi”. Nó lên án tệ đổ lỗi cho nạn nhân những vụ hiếp dâm, rằng họ bị như vậy do cách ăn mặc của họ. Một tác phẩm khác khắc gỗ những thông điệp mà người ta chỉ đọc được khi soi nó vào gương: “Mình mặc cảm tới mức cho rằng mình không đáng được yêu thương”...
Bình luận (0)