'Phông bạt' trên mạng xã hội để bán khóa học online

19/09/2024 16:10 GMT+7

Nhiều người lên mạng xã hội LinkedIn, Threads, TikTok khoe làm việc tại các công ty, tập đoàn quốc tế, lương nửa tỉ mỗi tháng để đánh bóng tên tuổi sau đó bán khóa học online.

"Flex một tí thành quả sau hơn 30 năm xuất hiện trên Trái đất. Thu nhập 500 triệu một tháng. Bằng cấp: Đại học Ngoại thương, Thạc sĩ Marketing ở Mỹ; Hiện đang sống ở San Francisco; Developer tại Apple; Sáng lập trung tâm tiếng Anh online; IELTS 8.0; Đầu tư chứng khoán...", một người dùng Threads đăng tải thông tin đáng mơ ước về công việc và mức thu nhập khủng. Bài viết sau đó nhận được hàng nghìn lượt yêu thích và gây chú ý lớn trên mạng xã hội.

Theo đó, ngoài thành tích đang làm việc tại Apple, người này còn bán khóa học tiếng Anh online. Không ít người dùng mạng xã hội bày tỏ sự ngưỡng mộ trước thu nhập khủng của bạn nữ nhưng số khác hoài nghi và yêu cầu chứng minh từng làm việc tại Apple. Trước áp lực của cộng đồng, người này chia sẻ ảnh chụp màn hình email thông báo của Apple về vị trí Hardware Test và nói rõ thời gian làm việc từ tháng 12.2020 đến tháng 7.2022.

'Phông bạt' trên mạng xã hội để bán khóa học online- Ảnh 1.

Người dùng Threads chia sẻ thu nhập 500 triệu đồng một tháng, làm việc tại Apple

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Tuy nhiên, sau đó người dùng mạng xã hội tiếp tục chỉ ra những thông tin không đồng nhất. Cụ thể trong email hồi tháng 7.2024 gửi đi, người này giới thiệu là đang làm lập trình viên tại Apple, cho dù trong video cho biết đã nghỉ từ hai năm trước, làm một vị trí khác.

Sau những lùm xùm trên, người này đã đóng các tài khoản mạng xã hội. Một số học viên từng mua khóa học tiếng Anh muốn hủy khóa học, yêu cầu hoàn tiền nhưng không nhận được phản hồi.

Ngoài trường hợp trên, cộng đồng cũng phát hiện ra nhiều bạn trẻ đang "phông bạt" trên mạng xã hội, khoe thu nhập khủng, từng lại việc tại các công ty nổi tiếng như Google, Apple, Facebook... Sau đó kêu gọi mọi người đăng ký các khóa học. Tuy nhiên khi được yêu cầu cung cấp bằng chứng về công việc hoặc các vị trí từng giữ, đa phần đều giữ im lặng, chặn người hỏi hoặc đóng luôn tài khoản mạng xã hội.

Không chỉ trên Threads, nhiều người trẻ đang "flex" (khoe thành tích) khủng trên các mạng xã hội khác như TikTok, LinkedIn, Facebook để đánh bóng tên tuổi, thu hút sự chú ý của cộng đồng.

Thanh Tú, giám đốc nhân sự tại một startup công nghệ tại TP.HCM, cho biết: "Hầu hết công ty đều yêu cầu lao động cam kết bảo mật thông tin về lương, thu nhập, ngay cả khi đã nghỉ làm. Các tập đoàn lớn như Apple, Google càng ràng buộc chi tiết. Do đó nếu thấy ai chia sẻ các thông tin về công việc đáng mơ ước trên mạng xã hội, mọi người chỉ nên tham khảo, không nên vội tin ngay".

Trong khi đó, một nhà sáng tạo nội dung trên TikTok cho rằng việc "flex" về bản thân trên mạng xã hội không xấu. Nhiều bạn trẻ muốn gây chú ý nên có thể cố tình "nói quá" về thành tích bản thân. Nếu chỉ là để "câu like" thì không sao, nhưng "phông bạt" để kêu gọi ủng hộ hoặc bán khóa học thì cần lên án ngay, giúp nhiều người tránh "tiền mất tật mang".

Trước đó, cộng đồng mạng Việt Nam từng "check VAR" nhiều người trẻ "sống ảo" khi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai tập tin sao kê tài khoản ngân hàng. Khi kiểm tra thông tin trong danh sách ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão Yagi (bão số 3), có người chỉ chuyển khoản ủng hộ 10.000 đồng nhưng chỉnh sửa ảnh lên thành 100 triệu đồng. Có người thực tế chuyển khoản vài chục hoặc vài trăm nghìn đồng nhưng chỉnh sửa thành tiền tỉ. Hành vi lợi dụng bão lũ để đánh bóng tên tuổi bị cộng đồng lên án mạnh mẽ. Nhiều người sau đó đã sửa sai bằng cách chuyển số tiền "còn thiếu" và công khai xin lỗi.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.