Sau khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQ) công khai 12.028 trang sao kê danh sách các cá nhân, tập thể ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bão số 3, cộng đồng mạng đã "check var", nhiều chuyện bi hài trong việc chuyển tiền hỗ trợ mới lộ diện.
Theo đó, trong khi có rất nhiều tổ chức, cá nhân, người nổi tiếng đồng lòng ủng hộ, gửi những khoản tiền lớn, nhỏ đến người dân các tỉnh phía bắc bị ảnh hưởng bão lũ thì một số lại "làm màu", thậm chí tạo sao kê giả, không đúng với số tiền chuyển khoản để khoe lên trang cá nhân, Fanpage, TikTok nhằm mục đích tạo dựng hình ảnh, câu like, tạo sự nổi tiếng.
Trong thời đại hiện nay, không ít người lợi dụng các hoạt động thiện nguyện để xây dựng hình ảnh cá nhân, trục lợi và gia tăng sự nổi tiếng. Thay vì thực sự giúp đỡ những người khó khăn, họ chỉ muốn thu hút sự chú ý của truyền thông và công chúng, phô trương danh tiếng và làm đẹp hình ảnh. Điều này không chỉ làm mất lòng tin của cộng đồng mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của những tổ chức thiện nguyện chân chính. Làm từ thiện vốn là một hành động thể hiện lòng trắc ẩn và nhân ái. Tuy nhiên, khi hành động này bị biến thành một công cụ phục vụ lợi ích cá nhân, sẽ gây tổn thương cho những người yếu thế và làm giảm giá trị đạo đức trong xã hội. Thiết nghĩ hành vi "phông bạt" cần được lên án mạnh mẽ và có biện pháp xử lý nghiêm.
Chủ tịch MTTQ Việt Nam: Sẽ tiếp tục công bố sao kê tiền ủng hộ
Trong nhiều trường hợp, khi sự việc bị phanh phui, những cá nhân này chỉ cần xin lỗi qua loa, hoặc đôi khi là viện lý do "thiếu hiểu biết" để xin tha thứ. Tuy nhiên, việc này cần phải thay đổi, không thể để những hành vi lợi dụng lòng tốt của cộng đồng được kết thúc bằng một lời xin lỗi suôn. Cần có những biện pháp xử phạt mạnh mẽ hơn, như yêu cầu hoàn trả tiền quyên góp sai mục đích, hoặc thậm chí là xử lý hình sự đối với những trường hợp trục lợi từ thiện, lợi dụng chuyện từ thiện để "làm màu".
Việc từ thiện, nếu không xuất phát từ tấm lòng chân thành, sẽ trở thành một màn kịch rỗng tuếch, làm xói mòn lòng tin và tạo ra một xã hội giả tạo. Sự giả dối trong việc làm từ thiện không chỉ ảnh hưởng đến những cá nhân cụ thể, mà còn khiến cả cộng đồng đánh mất niềm tin vào những giá trị nhân văn. Theo đó những tổ chức và cá nhân thực sự tâm huyết với công tác thiện nguyện cũng bị vạ lây, chịu sự nghi ngờ và khó khăn trong việc tiếp tục kêu gọi sự đóng góp từ cộng đồng.
Chúng ta cần giữ gìn sự trong sạch và ý nghĩa cao đẹp của việc làm thiện nguyện, hướng đến một xã hội nơi lòng nhân ái được thể hiện một cách chân thành và thiết thực. Một xã hội chỉ có thể phát triển bền vững khi những giá trị đạo đức được tôn trọng và bảo vệ.
Bình luận (17)
Trong kinh thánh tân ước có một câu như thế này "Ta bảo các con...Còn con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín, và Cha con, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con."
Hóa ra là "lỗi ở người bạn bí ẩn"... Không biết người bạn ấy liệu có...tồn tại 😏😏😏
Ôi lắm, bịa số tiền từ thiện chính là ăn cắp, ko những ăn cắp tiền mà còn ăn cắp niềm tin, vạ lây cho các tổ chức thiện nguyện. Sao kê ủng hộ đã đành quan trọng hơn là sao kê việc phân bổ tiền từ thiện đúng giá trị và địa chỉ cần giúp đỡ.