Thông điệp này được PGS-TS Trần Tân Văn (ảnh) nhấn mạnh khi trả lời Thanh Niên về việc bảo tồn các di sản thiên nhiên.
Sập rồi thì làm gì cũng khó
Năm 2006, hòn Phụ Tử ở Kiên Giang bắt đầu sập, lúc đó dư luận rất nóng, nhưng thực sự khi đó cũng không có ai để "đổ tại". Trường hợp đó có phải do con người tác động mà sập xuống không hay do tự nhiên, thưa ông?
Trường hợp này cơ bản do tự nhiên thôi. Lúc đấy chẳng ai, chẳng có tác nhân con người nào tác động quá đáng gì để nó sập. Nhưng đó là sập xuống biển cả một khối to. Ngay lúc đó cũng có ý tưởng làm những phao nổi đặt lên rồi cẩu nó lên, dựng lại đúng chỗ cũ rồi gia cố này kia. Trước khi nó sập mà có hành động ngay để giữ thì còn có ý nghĩa, còn nó sập rồi thì làm gì cũng khó, cũng tốn kém.
Và bây giờ như ông thấy, mọi người lại đang rất ồn ào về hòn Trống Mái ở vịnh Hạ Long. Ý kiến của ông về điều này thế nào?
Thực ra việc những hòn ở vịnh Hạ Long nó cứ dần dần đổ xuống là quá trình tự nhiên. Trong thực tế, có nhiều khối như thế đã từng rơi xuống và từng biến mất. Những quá trình tự nhiên như thế này thì cơ bản là không cưỡng được.
Bên cạnh đó cũng có những tác nhân từ con người khiến quá trình đổ xuống nhanh hơn. Chúng ta có những biện pháp mềm kiểu như không cho tàu bè vào quá gần và phải giảm tốc độ, đứng từ xa ngắm có lẽ hợp lý hơn.
Di sản cũng cần "nghỉ phép"
Nhiều khi chúng tôi cứ cảm thấy các di sản thiên nhiên ở VN đang trong tình trạng phải "lao động" cật lực vì du lịch. Còn nhớ trong một hội thảo VN học, các nhà khoa học đã đề nghị phải cho Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) "nghỉ phép" bằng cách đóng cửa một thời gian trong năm để hồi sức. Ông đánh giá về sự lao động quá sức của các di sản thiên nhiên địa chất kiểu như các hang động, núi đá thế nào?
Với hang Sơn Đoòng chẳng hạn, tôi cho là họ khai thác tương đối cẩn thận. Họ có chuyên gia tư vấn, có điều hành, kiểm soát. Họ cũng khai thác có chừng mực, vào hang có liều lượng, thời gian, có số lượng hạn chế. Nhưng cái mô hình đó hiện nay cơ bản vẫn là duy nhất tại VN, chưa bao giờ được lan tỏa ra các nơi khác, kể cả ở vịnh Hạ Long. Ở vịnh Hạ Long, như hang Sửng Sốt chẳng hạn, người vào nườm nượp. Nếu vào rồi muốn quay ra mà đi ngược đường thì cơ bản là không đi được. Phải đi một chiều vì người quá đông.
Chưa kể, trong nhiều hang ở nhiều nơi, liều lượng người, nồng độ khí thải, chế độ chiếu sáng… các giải pháp xử lý thực vật đèn (thực vật mọc lên do chiếu sáng nhân tạo) cũng chưa ổn do lưu lượng người tham quan chưa được giảm xuống. Ấy là yếu tố chính để nói về tác động của các hoạt động nhân sinh với hang động tự nhiên. Nên các giải pháp cũng sẽ không cơ bản nếu không giảm được lưu lượng người. Mỗi năm, phải để ra vài tháng để hệ sinh thái tự nhiên phục hồi trở lại thì chưa bao giờ áp dụng cả. Cơ bản nhất phải làm giảm lưu lượng người tham quan, cho hang nghỉ một thời gian cho nó lâu dài bền vững. Chứ vẫn lượng người thế này thì không giải quyết được.
Lại nói về các hòn Trống Mái, Phụ Tử ở nhiều địa phương, chúng đang có nguy cơ sập đổ gãy rụng, thậm chí đã gãy rụng rồi. Kiên Giang đang có ý định phục dựng hòn Phụ Tử. Theo ông, điều đó có thể làm được không, và có nên không?
Thực ra hòn Phụ Tử rụng cả hơn chục năm rồi. Mấy năm trước nổi lên một ý tưởng là muốn phục dựng lại. Thứ nhất, phải công nhận hòn Phụ Tử mang tính biểu tượng của Kiên Giang và nó cũng rất to, rất hiếm chứ không nhiều như ở vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, dựng lại rất khó khi nó rụng cả khối to, nếu muốn làm phải cẩu cả hòn to đã rơi xuống ấy lên. Cẩu lên rồi cũng phải tìm cách để gia cố, dựng lên đặt vào chỗ cũ nó vẫn đổ thôi.
Dự án đó theo tôi rất tốn tiền, có khi hàng trăm tỉ đồng mà chưa chắc đã ăn thua. Dự án cũng khá mạo hiểm, chưa chắc đã thành công, mà thành công cũng tốn kém. Vì thế, theo tôi dù mong muốn đó là có, lại gắn với câu chuyện hay, biểu tượng hay cũng chỉ nên làm khi giải pháp không tốn kém lắm.
Với các di sản thiên nhiên địa chất như các hang, các hòn biểu tượng này, tốt nhất là nên "phòng bệnh" bằng cách quan trắc, thăm khám thường xuyên chứ không phải chờ nó tổn thương, rụng gãy mới đi tìm cách phục dựng.
Bình luận (0)