Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính và hen suyễn là hai bệnh về hô hấp rất thường gặp ở trẻ em. Nếu không được chăm sóc đúng cách, bệnh có thể trở nặng, gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Tại buổi nói chuyện chuyên đề về các bệnh hô hấp ở trẻ em do Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 - TPHCM tổ chức cuối tuần qua, ThS-BS Trần Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hô hấp, cho biết: Những tháng mùa mưa và quãng thời gian cuối năm, trời trở lạnh là những thời điểm khoa đông bệnh nhi nhất. Trong đó, hai bệnh phổ biến vẫn là nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính và hen suyễn.
Trẻ dưới 5 tuổi có thể bị nhiễm nhiều lần trong năm
Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là bệnh nhiễm khuẩn của đường thở từ tai - mũi - họng - đường dẫn khí (thanh quản, khí quản, phế quản) cho đến phổi. Trẻ dưới 5 tuổi có thể bị nhiễm 5-8 lần/năm. Trẻ nhiễm bệnh có biểu hiện ho kéo dài nhưng không quá 30 ngày. Đa số bệnh nhi nếu được chăm sóc tốt thì bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 10-14 ngày. Nhưng khoảng 1/4 các ca bệnh sẽ diễn tiến thành viêm phổi, cần điều trị kháng sinh thích hợp để tránh biến chứng nặng và tử vong. Việt Nam hiện đang đứng hàng thứ 9 về số ca mắc viêm phổi mới ở trẻ em hằng năm với khoảng 2,9 triệu trẻ mỗi năm.
Cha mẹ và bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TPHCM nghe tư vấn về các bệnh hô hấp |
ThS-BS Nguyễn Thái Sơn, Phó trưởng Khoa Hô hấp BV Nhi Đồng 1, lưu ý hen suyễn là bệnh mãn tính phổ biến nhất ở trẻ. Hằng năm trên thế giới có 25.000 trẻ tử vong vì suyễn. Tại Việt Nam, đây cũng là một căn bệnh cướp đi sinh mạng của không ít trẻ em. Có tới 32% các bệnh nhi tử vong chưa từng được nhập viện, theo dõi và điều trị căn bệnh đúng cách. “Đối với trẻ dưới 2 tuổi, nếu phát hiện trẻ khò khè 3 lần trở lên hoặc trẻ có tiền sử dị ứng, gia đình có tiền sử suyễn hoặc dị ứng… thì phụ huynh nên nghĩ đến căn bệnh này và nhanh chóng đưa trẻ đi khám để có hướng theo dõi, xử trí về sau, tránh các biến chứng nặng, nhất là khi trẻ còn quá nhỏ, chưa biết tự chăm sóc mình” - ThS-BS Sơn nói.
Tránh các yếu tố nguy cơ
BS Tuấn đưa ra một số lưu ý khi chăm sóc cho trẻ bị bệnh hô hấp tại nhà: Không kiêng ăn, cho trẻ uống đủ nước, làm thông thoáng mũi, dùng thuốc theo toa và không lạm dụng các kháng sinh, giữ cho trẻ ấm áp khi trời lạnh và thoáng mát khi trời nóng. Nếu trẻ bị ho nhiều dẫn đến mất ngủ, nôn ói, rát họng, cha mẹ có thể cho trẻ uống một số thuốc ho dân gian như tắc chưng đường, gừng, mật ong, nước trà loãng ấm, một số thuốc làm từ thảo dược…
Làm cho môi trường thông thoáng cũng là cách để ngăn chặn các bệnh hô hấp ở trẻ. Nên giữ trẻ tránh xa khu vực có khói thuốc, khói bếp, bụi bặm, các vật nuôi, phấn hoa, các mùi quá nồng… Phụ huynh nên lau dọn nhà khi trẻ đã đi học để trẻ không hít phải bụi bặm trong quá trình làm vệ sinh nhà, mở cửa sổ thường xuyên để không khí thông thoáng và không nên dùng thảm nếu nhà có trẻ bị bệnh hô hấp. BS Sơn lưu ý thêm: “Đối với trẻ bị suyễn, một số thức ăn như lòng trắng trứng, bột ngọt, hải sản…; các xúc cảm, vận động quá mạnh, bệnh cảm ho… cũng làm cho cơn suyễn dễ đến. Cần giúp trẻ tránh xa các yếu tố nguy cơ này”.
Chú ý biểu hiện trở nặng
Nếu trẻ nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính có biểu hiện thở nhanh (từ 60 lần/phút trở lên với trẻ dưới 2 tháng, 50 lần/phút với trẻ 2-11 tháng, 40 lần/phút với trẻ từ 12 tháng đến 5 tuổi) và có biểu hiện co lõm lồng ngực, hãy đưa trẻ nhập viện sớm. Nếu trẻ có thêm các dấu hiệu không uống được, co giật, ngủ li bì, thở có tiếng rít nghĩa là tình trạng đang rất nguy hiểm, cần cấp cứu.
Riêng trẻ bị hen suyễn thì cần cấp cứu nếu có các biểu hiện: Thuốc cắt cơn không hiệu quả hoặc chỉ hiệu quả ngắn, vẫn còn thở nhanh, khó thở; trẻ nói không nổi; tím tái; cánh mũi phập phồng, co kéo, thượng đòn, cơ ức đòn chũm…
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)