Phòng bệnh sau mưa lũ: Vì sao có nhiều ca nhiễm khuẩn 'ăn thịt người'?

28/09/2024 07:05 GMT+7

Bệnh Whitmore lây từ vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (còn gọi vi khuẩn ăn thịt người). Vi khuẩn này thường tồn tại trong đất và nước nên mùa mưa bão là môi trường rất thuận lợi để nó phát triển.

Thạc sĩ - bác sĩ Trần Đăng Khoa, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết mưa bão là tình hình thời tiết khá thường gặp ở nước ta, do đó cũng góp phần làm một số bệnh hô hấp và bệnh truyền nhiễm sẽ bùng phát vào mùa này.

Các bệnh hô hấp

Viêm nhiễm hô hấp: Mùa mưa bão dễ gây các bệnh lý đường hô hấp, nhất là viêm hô hấp trên, viêm phế quản và viêm phổi. Cần chú ý bảo vệ đường hô hấp, tăng cường sức đề kháng, tránh dầm mưa, lội nước nhiều.

Hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): Mùa mưa, mùa lạnh và viêm nhiễm cũng dễ khởi phát các cơn khó thở, cơn hen hay cơn COPD, thậm chí là bội nhiễm thành viêm phổi nặng.

Phòng bệnh sau mưa lũ: Vì sao có nhiều ca nhiễm khuẩn 'ăn thịt người'?- Ảnh 1.

Mùa mưa bão dễ gây các bệnh lý đường hô hấp, nhất là viêm hô hấp trên, viêm phế quản và viêm phổi

Ảnh minh họa: Pexels

Các bệnh truyền nhiễm

Bệnh Whitmore: Bệnh lây từ vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, còn được gọi là "vi khuẩn ăn thịt người" ở nước ta, vi khuẩn này thường tồn tại trong đất và nước nên mùa mưa bão là môi trường rất thuận lợi để nó phát triển.

Sốt xuất huyết dengue: Bệnh lây truyền qua muỗi nên mùa mưa là mùa tăng cường sinh sản của muỗi và dễ lây lan dịch bệnh.

Cúm: Bệnh lý thường gặp nhiều hơn vào mùa mưa, mùa lạnh ở nước ta, thường do các chủng cúm H1, H3 gây ra, nếu bị trên các cơ địa suy giảm miễn dịch như người già, trẻ em, phụ nữ có thai, bệnh mạn tính… thì có thể tiến triển thành viêm phổi nặng và nguy cơ tử vong cao.

Sởi: Bệnh lý lây truyền qua đường hô hấp, mùa mưa và mùa lạnh là điều kiện dễ lây lan.

Bệnh lý nhiễm trùng tiêu hóa: Mưa bão có khả năng làm ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển, vệ sinh, chế biến và bảo quản thực phẩm, nên có thể gây ra các bệnh lý nhiễm trùng đường tiêu hóa. Do độc tố có sẵn trong thức ăn, hoặc do vi sinh vật vào ống tiêu hóa phát triển và gây bệnh.

Bệnh nhiễm Leptospira: Là bệnh gây ra do xoắn trùng Leptospira, lây chủ yếu từ chuột và một số loài khác sang người qua môi trường đất nước tù đọng (cống rãnh, ao hồ có chứa vi khuẩn từ chất thải của động vật mang mầm bệnh).

Phòng bệnh sau mưa lũ: Vì sao có nhiều ca nhiễm khuẩn 'ăn thịt người'?- Ảnh 2.

Tiêm phòng sởi cho trẻ

ẢNH: T.N

Biện pháp phòng ngừa

Theo thạc sĩ - bác sĩ Trần Đăng Khoa, để phòng bệnh sau mưa lũ, chúng ta cần thực hiện các bước sau:

  • Giữ vệ sinh: Sử dụng nước sạch, rửa tay thường xuyên và đảm bảo môi trường khô ráo.
  • Sử dụng thực phẩm an toàn vệ sinh, ăn chín, uống sôi.
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với nước ô nhiễm, sử dụng bảo hộ cá nhân như găng tay, khẩu trang.
  • Chăm sóc y tế kịp thời, đúng cách: Khi có bất cứ triệu chứng bất thường.
  • Vệ sinh môi trường, loại bỏ nước đọng và phòng ngừa muỗi đốt.
  • Cần chú ý tiêm ngừa, tránh nhiễm lạnh và khám bác sĩ chuyên khoa hô hấp sớm khi có triệu chứng bệnh hen hay COPD tái phát.
  • Cần chú ý tiêm ngừa cúm, sởi ở nhóm người nguy cơ cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.