Báo cáo tại hội nghị triển khai dự án "Ứng phó khẩn cấp bệnh tay chân miệng năm 2012" (do Hội Chữ Thập đỏ VN và Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế phối hợp tổ chức ngày 12-6 tại TP.HCM) đã chỉ ra nguyên nhân còn tồn tại của công tác chống dịch.
100% tỉnh thành phía Nam có số ca mắc tăng
Báo cáo về hoạt động phòng chống bệnh tay chân miệng khu vực phía Nam năm 2012, bác sĩ Nguyễn Quốc Huy - khoa kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur TP.HCM - cho biết từ đầu năm đến ngày 3-6, ở khu vực đã có 19.370 trẻ mắc bệnh tay chân miệng với 24 ca tử vong, trong khi cùng thời điểm năm trước có 7.117 ca mắc, tăng hơn 172%.
Đáng lưu ý 100% tỉnh thành phía Nam đều có số mắc tăng cao, có tỉnh gấp vài lần đến vài chục lần. Gần 100% số ca tử vong vì bệnh tay chân miệng từ đầu năm đến nay đều là trẻ dưới 5 tuổi. Trong số 24 ca tử vong do bệnh này có đến 11 trẻ 2 tuổi, dù trẻ 2 tuổi chưa đi học nhưng tỉ lệ mắc và tử vong lại rất cao.
Theo bác sĩ Quốc Huy, dù các địa phương có nhiều hoạt động giám sát và phòng chống dịch tay chân miệng cũng như huấn luyện chuyên môn cho cán bộ dịch tễ, bác sĩ, điều dưỡng, nhưng thực tế vẫn còn nhiều tồn tại.
Về công tác giám sát dịch, vẫn còn địa phương ngay từ đầu chưa đánh giá đúng mức sự gia tăng của bệnh, không phân tích được tình hình dịch theo độ nặng của bệnh nhân, không xác định được điểm nóng (huyện có số mắc tăng). Nguyên nhân của các tồn tại này được chỉ ra là do nhân viên y tế chủ quan, chưa có kinh nghiệm đối với dịch mới nổi, chủng EV71 nổi trội...
Công tác điều tra dịch cũng còn các bất cập, như các yếu tố nguy cơ của ổ dịch tay chân miệng không được xác định sớm để định hướng hoạt động phòng chống; không theo dõi được chuyển biến của mô hình dịch. Ngay cả khi xảy ra dịch rồi vẫn còn địa phương chưa chủ động xây dựng kế hoạch chống dịch.
Nguyên nhân của tồn tại này là một số địa phương thiếu sự chỉ đạo của chính quyền, chỉ khử khuẩn tại nhà bệnh nhân, lúng túng trong định nghĩa ổ dịch, còn chủ quan và thiếu nhân lực... Trong khi đó công tác truyền thông lại chưa đúng, chưa mạnh và đều.
|
Chưa biết chăm sóc khi trẻ bệnh
Khảo sát ban đầu về kiến thức, thái độ, thực hành liên quan đến bệnh tay chân miệng trên 216 người giữ trẻ tại cộng đồng (tại hộ gia đình và tại các điểm giữ trẻ có phép hoặc không phép) ở tám tỉnh, thành phố phía Nam cho thấy người giữ trẻ vẫn còn lơ mơ.
Theo ông Trần Triêu Ngõa Huyến - Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ sức khỏe cộng đồng (Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật VN), người giữ trẻ ở cả hai nhóm đều có học lực không cao, hơn 50% có học lực từ cấp III trở xuống.
Khảo sát về kiến thức hiểu biết về dịch tễ của bệnh, hầu hết cho rằng bệnh tay chân miệng có thể gây chết người, 76% trả lời đúng các đặc điểm của bệnh (do virút gây ra, không thể chích ngừa, không thể điều trị), 85% trường hợp hiểu bệnh có thể lây lan thành những vụ dịch và có thể lây trong số những trẻ chơi chung với nhau. Tuy nhiên, về đường lây truyền bệnh mới có gần 48% đối tượng hiểu biết.
Ngoài ra, ở nhóm chăm sóc trẻ tại các điểm giữ trẻ có hiểu biết về dịch tễ của bệnh tốt hơn nhóm giữ trẻ tại hộ gia đình. Khi nghi ngờ trẻ bị bệnh tay chân miệng, vẫn còn hơn 31% người giữ trẻ chưa biết nên đưa trẻ đến trạm y tế khám bệnh và làm theo những lời dặn của nhân viên y tế. Họ cũng chưa hiểu biết đầy đủ về cách chăm sóc trẻ bị bệnh tại nhà.
Vẫn còn 15% người giữ trẻ ở các điểm giữ trẻ không biết rằng khi trẻ bị bệnh thì cần cho trẻ nghỉ học để không lây cho các trẻ khác, còn tỉ lệ này ở nhóm hộ gia đình lên tới hơn 56%.
Nhóm chăm sóc trẻ tại hộ gia đình ít lau rửa đồ chơi và thực hành rửa tay cho trẻ của nhóm này chưa đúng yêu cầu vệ sinh. Quy trình rửa tay cho trẻ của nhóm ở điểm giữ trẻ tốt hơn nhiều so với nhóm khảo sát ở hộ gia đình.
Theo Lê Thanh Hà / Tuổi Trẻ
>> Bệnh tay chân miệng có nguy cơ bùng phát dịch rất cao
>> Bệnh tay chân miệng tại Đà Nẵng diễn tiến phức tạp
>> Tử vong vì tay chân miệng cao do chẩn đoán sai, phát hiện trễ
>> Tập trung giảm tử vong do bệnh tay chân miệng
Bình luận (0)