Để phòng cúm, có thể ăn tỏi sống hoặc uống viên tinh dầu tỏi, vệ sinh cá nhân cũng như môi trường thật tốt, tiêm vắc-xin…
Cúm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus cúm gây ra. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, thường xảy ra vào mùa lạnh và rất dễ gây thành dịch lớn do bệnh lây lan trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp.
Vài ngày sau khi virus cúm xâm nhập cơ thể, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng sau: Sốt cao đột ngột, nhức đầu vùng trán, choáng váng, ù tai, ăn ngủ kém, người mệt mỏi, không muốn làm việc. Sốt thường kéo dài 3-5 ngày, nhưng dấu hiệu viêm long đường hô hấp như ho khan, ngạt mũi, hoa mắt, chảy nước mắt - nước mũi, rát họng… có thể kéo dài 7-10 ngày sau.
Ngoài ra, người bị cúm có thể bị ho, khàn tiếng (do viêm thanh hầu, viêm khí quản), hoặc ho, khạc đờm, đau tức ngực, khó thở (do viêm phổi, phế quản), có biểu hiện nhiễm trùng - nhiễm độc như môi khô, lưỡi bẩn, mạch nhanh, huyết áp dao động, nước tiểu vàng sẫm giống như nước vối…
Trường hợp nhẹ, người bị cúm không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ, nhức mỏi toàn thân nhưng không quá mệt, triệu chứng nổi bật nhất là viêm long đường hô hấp trên. Trường hợp nặng hơn, có triệu chứng tổn thương ở đường tiêu hóa, như đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy… hoặc sốt, và nổi ban dạng sởi trên da.
Trường hợp bị cúm ác tính (hiếm khi xảy ra, nhưng nếu xảy ra thì rất nguy hiểm), người bệnh khó thở, vật vã, mê sảng, da xám xịt, mắt thâm quầng, môi tím tái, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt… và có nguy cơ tử vong trong vòng vài ba ngày.
Tuy rằng cúm xảy ra đột ngột, lây lan mạnh nhưng đa số là lành tính. Bệnh nhân khỏi rất nhanh nhưng sức khỏe hồi phục rất chậm, cảm giác mệt mỏi có thể kéo dài hàng chục ngày sau khi đã hết các triệu chứng.
Người bệnh phải được điều trị cách ly và nghỉ ngơi tại giường cho đến khi hết sốt. Các thuốc hạ sốt, an thần, giảm ho, long đờm và chế độ ăn lỏng, giàu dinh dưỡng có tác dụng tốt trong điều trị cúm. Tuy nhiên, cần theo dõi người bệnh chặt chẽ để chuyển đi bệnh viện ngay, nếu bệnh trạng không giảm hoặc bệnh nặng thêm.
Để phòng bệnh cúm, ngoài việc hạn chế tiếp xúc người bị cúm, có thể ăn tỏi sống kèm trong các bữa ăn, hoặc uống viên tinh dầu tỏi hằng ngày để hạn chế sự phát triển của virus cúm. Ngoài ra, vệ sinh cá nhân, răng miệng và vệ sinh môi trường thật tốt. Có thể dùng vắc-xin phòng bệnh.
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)