Phòng, chống dịch bạch hầu: Khó tìm nguồn lây nhiễm

Liên Châu
Liên Châu
17/09/2023 16:45 GMT+7

Chuyên gia Bộ Y tế đánh giá, tất cả các vụ dịch bạch hầu đều không có nguồn lây. Rất khó tìm nguồn lây do người lành mang trùng không có biểu hiện rõ ràng.

Liên quan đến bạch hầu đang phát triển thành dịch tại Hà Giang và Điện Biên, Đoàn công tác số 1 của Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch bạch hầu đã làm việc tại H.Yên Minh và H.Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Đoàn do Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Lương Tâm làm trưởng đoàn.

Tại các địa bàn kiểm tra, công tác chống dịch đang được thực hiện nghiêm túc, các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân đều được cách ly, uống kháng sinh dự phòng.

Tại các trường học, ban giám hiệu đã chủ động mua thuốc kháng sinh phòng ngừa cho trẻ, y tế thôn bản đã đến hộ dân, truyền thông trực tiếp bằng tiếng dân tộc trên loa truyền thanh di động để nhân dân hiểu và phòng ngừa bệnh bạch hầu.

Phòng chống dịch bệnh bạch hầu: Khó tìm nguồn lây nhiễm - Ảnh 1.

Trong các đợt dịch bạch hầu, rất khó xác định nguồn lây nhiễm do người lành mang trùng không có biểu hiện rõ ràng

XUÂN THANH

Theo ông Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Phó đoàn công tác, các ca mắc nghi ngờ bạch hầu ở H.Yên Minh đều không liên quan đến H.Mèo Vạc. Hầu như các vụ dịch bạch hầu đều không xác định được nguồn lây vì người lành mang trùng không có biểu hiện rõ ràng.

Chờ tiếp nhận vắc xin 

Theo ông Nguyễn Lương Tâm, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B. Tỷ lệ tử vong do bệnh này khoảng 10 - 15% trên tổng số ca mắc. Do đó, ngành y tế Hà Giang cần bám sát cơ sở, thôn, bản đã có bệnh nhân dương tính với bạch hầu; khoanh vùng dịch, cách ly, sử dụng kháng sinh điều trị dự phòng trong khi chờ đợi chiến dịch tiêm vắc xin.

 Ông Tâm đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh Hà Giang đẩy nhanh việc mua vắc xin Td (phòng chống bệnh bạch hầu), thực hiện chiến dịch tiêm chủng tập trung vào đối tượng nguy cơ cao, trong độ tuổi từ 7 - 20.

Theo Sở Y tế Hà Giang, đến ngày 16.9, các ca nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu đang điều trị tại  Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang (12 người), Bệnh viện đa khoa khu vực H.Mèo Vạc 32 người và 2 người tại Bệnh viện đa khoa khu vực H.Yên Minh. 

Phòng, chống dịch bạch hầu: Khó tìm nguồn lây nhiễm - Ảnh 2.

Đoàn công tác của Bộ Y tế và lãnh đạo Sở Y tế Hà Giang kiểm tra chống dịch bạch hầu tại thôn Phe Phà, xã Lũng Hồ, H.Yên Minh

MOH.GOV.VN

Đã có 37 bệnh nhân được điều trị ổn định và ra viện, đang được nhân viên y tế cơ sở tiếp tục theo dõi trong 14 ngày kể từ khi xuất viện. Gần 11.000 người ở 2 huyện Yên Minh và Mèo Vạc được sử dụng kháng sinh dự phòng. 

Y tế Hà Giang đã lập danh sách các đối tượng thuộc diện tiêm chủng và xây dựng kế hoạch tiêm chủng chiến dịch đối với vắc xin DPT, Td. Khi có vắc xin về sẽ tổ chức tiêm chủng được ngay.

Hệ thống điều trị đã được tập huấn lại về bệnh bạch hầu, nên "độ nhạy" đã kích hoạt, các biểu hiện nghi ngờ mắc đều được kịp thời cách ly.

Khó khăn của Hà Giang trong phòng chống bệnh bạch hầu hiện nay là người dân ở vùng sâu, vùng xa nhận thức về bệnh bạch hầu còn rất ít. Có hiện tượng bệnh nhân trốn viện để về nhà hoặc không hợp tác với nhân viên y tế khi được động viên đi bệnh viện điều trị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.