Ngày 19.10, Trường ĐH Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội và Báo Pháp luật TP.HCM phối hợp tổ chức tọa đàm "Giáo dục về phòng, chống tham nhũng với yêu cầu xây dựng văn hóa liêm chính trong giai đoạn mới".
Thời gian qua, hàng loạt vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn bị phanh phui; rất nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có nhiều quan chức cấp cao bị xử lý kỷ luật, thậm chí truy tố hình sự. Bối cảnh ấy đòi hỏi công tác phòng, chống tham nhũng cần có "liệu pháp" mới. Một trong số này là phải xây dựng cho được văn hóa liêm chính.
Xây dựng nền công vụ liêm chính
Theo PGS Vũ Công Giao, Trường ĐH Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội, trước kia chúng ta chỉ tập trung phòng, chống tham nhũng, còn bây giờ hướng tiếp cận rộng hơn, đi từ xây dựng văn hóa liêm chính. Gốc rễ để phòng, chống tham nhũng là phải đảm bảo những người có chức vụ, quyền hạn tự kiểm soát mình, hành xử trung thực, đúng đắn.
Khẳng định liêm chính trong công vụ không phải điều gì mới lạ, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó tổng thanh tra Chính phủ, nhấn mạnh liêm chính xuất phát từ những ứng xử nhỏ nhất. Mấy chục năm nay, "nền công vụ của ta nhũng nhiễu với dân nhiều quá", nhu cầu và cũng là đòi hỏi mà xã hội đặt ra là phải có sự giáo dục, bồi dưỡng, nhắc nhở thường xuyên, tạo thành nền tảng đạo đức, xa hơn là một nền công vụ liêm chính.
Ông Thanh cho biết, từ luật Phòng, chống tham nhũng đầu tiên vào năm 2005 đến luật Phòng, chống tham nhũng mới nhất năm 2018 đều có nội dung về xây dựng các bộ quy tắc ứng xử, trong đó phân cấp cho bộ trưởng ban hành bộ quy tắc ứng xử cho các ngành.
Tuy nhiên, 20 năm qua, cả nước làm việc này không tốt. "Có thể thực hiện không tốt là chuyện khác, nhưng xây dựng, ban hành và chú ý tổ chức thực hiện đã là kém rồi. Ví dụ xã hội họ phải biết đến các quy tắc này như bộ y đức của ngành y. Thực hiện hay không cần điều kiện cần và đủ nhưng ngay ở điều kiện cần ở đây mình đã làm không tốt", ông Thanh nói.
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Long, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), nhận định việc tiếp cận liêm chính không có gì mới; nhưng gắn với công tác phòng, chống tham nhũng thì phải khiến nó mới mẻ hơn. Liêm chính không chỉ là sự liêm khiết, chính trực, trong sạch, ngay thẳng mà phải có cả liêm sỉ.
Trong hoạt động công vụ, liêm chính yêu cầu ở cả 2 góc độ pháp lý và đạo đức. Nếu cán bộ chỉ sợ pháp luật là chưa trọn vẹn, phải có cả đạo đức, tự mình răn mình. Xây dựng văn hóa liêm chính là làm cho các yếu tố phổ quát hơn, tầm ảnh hưởng rộng hơn. Sự liêm chính phải trở thành phản xạ như "cơm ăn nước uống bình thường".
"Những ông tham nhũng vừa rồi không ai nghèo cả"
Liêm chính là yếu tố căn cốt, lâu dài để ngăn ngừa tham nhũng, vậy làm gì để xây dựng liêm chính, rộng hơn là văn hóa liêm chính?
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, văn hóa liêm chính không thể cứ nói mãi mà ra được. Để liêm chính có thể tồn tại, cần một nền tảng vững chắc. Nền tảng ấy có thể xây dựng bằng những bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp cả khu vực công và tư, rồi các bộ quy trình nghiệp vụ chuẩn chỉnh. Khi làm tốt những yếu tố này, nền công vụ sẽ tự khắc chất lượng, minh bạch.
TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ và PGS-TS Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND tối cao
PHÚC BÌNH
Ở góc nhìn khác, PGS-TS Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND tối cao, cho rằng muốn có liêm chính thì phải xây dựng, giáo dục. Tuy vậy, thực tiễn cho thấy liêm chính phụ thuộc nhiều yếu tố, "muốn liêm chính không hề đơn giản".
Ông Độ lấy ví dụ khi xây dựng bộ quy tắc đạo đức cho thẩm phán, trong đó đề cao 2 đức tính quý báu là thanh liêm và chính trực. "Anh nào mà tham nhũng thì nói người ta không nghe đâu; chịu sức ép cũng không chính trực được đâu, 2 cái phải đi liền với nhau", ông nói.
Vẫn theo ông Độ, lương thẩm phán hiện còn quá thấp, là thách thức rất lớn khi đòi hỏi sự liêm chính. Vấn đề đặt ra là phải cải cách tiền lương, Nhà nước phải có trách nhiệm nuôi dưỡng liêm chính chứ không phải để cho đương sự làm việc này.
Trong khi đó, TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), cho rằng để có văn hóa liêm chính cần phải kiểm soát cả bên ngoài và bên trong. Bên ngoài là bằng cơ chế, chính sách; bên trong là bằng đạo đức, liêm sỉ.
Ông Minh nhắc đến phương châm "4 không": không thể, không dám, không muốn và không cần tham nhũng. Trong 4 không này, không nào cần ưu tiên làm trước? Ông Minh cho rằng phải làm đồng bộ cả 4 giải pháp.
"Có người nói phải làm "không dám" trước, trị thật nặng để răn đe, nhưng thực tế đã phạt nặng rồi nhưng tham nhũng vẫn rất nhiều. Cũng có ý kiến phải làm "không cần" trước, tức là để cán bộ có thu nhập đủ sống, nhưng nhiều vụ việc cho thấy những ông tham nhũng vừa rồi không ai nghèo cả", ông Minh dẫn giải, và nhận định việc cải cách tiền lương là rất cần nhưng không phải "cây đũa thần" để phòng, chống tham nhũng.
Bình luận (0)