Phòng, chống tham nhũng phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả

25/04/2012 16:05 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ yêu cầu đặt ra là phải tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nội dung phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay.


 Ảnh: VGP - Nhật Bắc

Sáng 25/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó trưởng Ban Chỉ đạo đồng chủ trì Phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo nhằm đánh giá kết quả công tác phòng, chống tham nhũng quý I; phương hướng, nhiệm vụ quý II năm 2012 và thảo luận những nội dung công việc liên quan trong đó có nội dung về mô hình tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Chuyển biến tích cực

Dự thảo Báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng quý I và phương hướng, nhiệm vụ quý II năm 2012 cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục có những chuyển biến tích cực; các giải pháp phòng ngừa tham nhũng như công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; chuyển đổi vị trí công tác của các cán bộ, công chức, viên chức; minh bạch tài sản, thu nhập;…  tiếp tục được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Trong quý I, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã báo cáo kết quả kê khai tài sản, thu nhập năm 2011 như Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc, các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Lai Châu, Ninh Bình, Lâm Đồng, Thanh Hóa…

Về công tác phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã chủ trì, giúp Chính phủ tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và giai đoạn thứ nhất Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng; đã ban hành 11 kết luận thanh tra (thanh tra tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Viễn thông Quân đội; Tập đoàn Sông Đà…). Qua thanh tra, đã phát hiện sai phạm, thiếu sót về kinh tế với số tiền 32.744 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 1.584 tỷ đồng; loại khỏi giá trị quyết toán 10 tỷ đồng; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý số tiền 10.665 tỷ đồng; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 1 vụ việc.

Thanh tra các tỉnh, thành phố đã kết thúc 310 cuộc thanh tra trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội; tiến hành 23 cuộc thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc triển khai, thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Qua thanh tra, đã phát hiện sai phạm và kiến nghị xử lý số tiền hơn 74,595 tỷ đồng, chuyển xử lý hình sự 3 vụ có hành vi tham nhũng.

Kiểm toán Nhà  nước đã kết thúc kế hoạch kiểm toán năm 2011; kiến nghị xử lý tài chính của 147/151 cuộc kiểm toán đã phát hành báo cáo, trong đó các khoản tăng thu là 2.534,5 tỷ đồng; các khoản giảm chi là 2.282,9 tỷ đồng.

Về công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, trong quý I, đã khởi tố 55 vụ/104 bị can về các tội danh tham nhũng (so với cùng kỳ năm 2011 tăng 12,24% về số vụ và 8,33% về số bị can); truy tố 67 vụ/163 bị can về các tội danh tham nhũng (so với cùng kỳ năm 2011 tăng 34% về số vụ và 71,57% về số bị can); tòa án đã xét xử sơ thẩm 36 vụ/67 bị cáo (so với cùng kỳ năm 2011 giảm 21,73% về số vụ và 48,85 về số bị cáo).


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận Phiên họp - Ảnh: VGP - Nhật Bắc

Đối với 27 vụ án tham nhũng mà Ban Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc và giao Văn phòng Ban Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, đến nay đã xét xử 7 vụ (xét xử phúc phẩm 1 vụ là vụ Huỳnh Ngọc Sĩ, xét xử sơ thẩm 6 vụ là vụ Trần Văn Khánh, vụ Vinashin, vụ Trần Lệ Thủy…); Tòa án đang thụ lý 3 vụ; Viện Kiểm sát đang truy tố 4 vụ; đang điều tra 9 vụ; đình chỉ và tạm đình chỉ điều tra 4 vụ.

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, Dự thảo Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế yếu kém của công tác phòng, chống tham nhũng như một số địa phương đã xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nhưng không có trường hợp nào xử lý trách nhiệm người đứng đầu vì để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; việc thực hiện quy định về kê khai tài sản, thu nhập còn chậm; tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng còn chậm, kéo dài, nguyên nhân vướng mắc chủ yếu là do công tác giám định tài chính, giám định chất lượng công trình hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ điều tra; nhiều địa phương chưa chấp hành nghiêm túc quy định chế độ thông tin, báo cáo về phòng, chống tham nhũng.

Những nhiệm vụ trọng tâm

Trong quý II/2012, Ban Chỉ đạo xác định tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục giúp Bộ Chính trị hoàn chỉnh Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5 (khóa XI); nghiên cứu, đề xuất việc kiện toàn mô hình Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ban Chỉ đạo để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 137 về đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng; khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn sử dụng Quỹ khen thưởng phòng, chống tham nhũng để kịp thời khen thưởng những người có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện tham nhũng.

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi cùng các đại biểu dự phiên họp - Ảnh: VGP - Nhật Bắc

Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng, trong đó tập trung đôn đốc việc thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về Chống tham nhũng; hoàn thiện, ban hành Thông tư liên tịch quy định về công khai hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; hoàn thành trình Chính phủ ban hành Nghị định về trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; nghiên cứu xây dựng Quy định của Ban Chỉ đạo về công khai kết quả đánh giá thực trạng tham nhũng, kết quả phòng, chống tham nhũng của Việt Nam;…

Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, không để kéo dài; phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng theo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).

Phát biểu thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đều cơ bản bày tỏ sự đồng tình với những nội dung mà Dự thảo Báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng quý I và phương hướng, nhiệm vụ quý II năm 2012 của Ban Chỉ đạo nêu; đồng thời đề xuất việc tăng cương hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhất là ở những lĩnh vực nhạy cảm như quản lý, thu hồi đất đai, xây dựng, hải quan, khoáng sản… dành nhiều thời gian hơn cho việc chỉ đạo xử lý các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, khắc phục tình trạng án tồn đọng, để kéo dài; cũng như việc thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục; chế độ thông tin, báo cáo về phòng, chống tham nhũng…

Liên quan đến mô hình tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo bày tỏ nhất trí với đề xuất về việc việc giữ nguyên mô hình tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo như hiện nay cũng như việc bổ sung một số chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và bổ sung một số thành viên kiêm nhiệm của Ban Chỉ đạo và chuyển Văn phòng Ban Chỉ đạo thành cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, tăng thẩm quyền cho cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo…


 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt lưu ý các cơ quan chức năng tiếp tục làm tốt công tác thông tin, truyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng - Ảnh: VGP- Nhật Bắc

Phòng, chống tham nhũng phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả

Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những ý kiến phát biểu, đề xuất hết sức xác đáng của các thành viên Ban Chỉ đạo như việc tăng cường cho “chống” tham nhũng; xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng; các chế tài xử lý, bản án phải đủ sức răn đe; đẩy mạnh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng; tập trung phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng;… đồng thời cũng cơ bản bày tỏ đồng tình với những nhiệm vụ trọng tâm trong nêu trên trong quý II/2012 mà dự thảo Báo cáo của Ban Chỉ đạo đã xác định.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thời gian qua các giải pháp đề ra trên cả 2 mặt là phòng và chống tham nhũng đã tiếp tục được triển khai thực hiệu quả và đạt được những kết quả tích cực bước đầu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ yêu cầu đặt ra là phải tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nội dung phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay; coi đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các Bộ, ngành, địa phương; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị đối đối với công tác này.

Với tinh thần như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cùng với việc xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, công khai, minh bạch các vụ án, vụ việc liên quan đến tham nhũng, cần phải tập trung mạnh vào khâu phát hiện và phòng ngừa tham nhũng, trong đó có công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát…; xử lý tới nơi, tới chốn những kết luận của thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu của tham nhũng, tiêu cực.

Thủ tướng cũng khẳng định, dứt khoát phải thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng thông qua xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, vai trò của các chi bộ, của mỗi đảng viên trong công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường cơ chế giám sát của nhân dân, của các đoàn thể chính trị, xã hội đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Cuối cùng, Thủ  tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt lưu ý các cơ quan chức năng tiếp tục làm tốt công tác thông tin, truyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, đặc biệt là xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp còn để tồn đọng, kéo dài.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.