Phòng chống tham nhũng, tiêu cực bằng liệu pháp "đạo đức"

27/03/2006 11:00 GMT+7

Tham nhũng ở nước ta đang ở mức độ trầm kha mà Đảng đã phải coi đây là 1 trong 4 nguy cơ lớn nhất hiện nay. Nhiều biện pháp đã và đang áp dụng, trong đó có việc “phải xử lý nghiêm”, “phải xử lý triệt để bất kỳ người đó là ai, ở cương vị nào, v.v…”, nhưng xem ra tham nhũng không hề giảm mà có nguy cơ tăng trưởng cao, “năm sau cao hơn năm trước”...

Các biện pháp hành chính trên, dù nghiêm minh đến đâu cũng là xử lý việc đã rồi và kết quả luôn luôn là mất mát cán bộ và thất thoát tài sản do thu hồi chẳng đáng là bao, mất mát lớn hơn nữa là lòng tin của nhân dân vào các cấp cán bộ lãnh đạo.

Tôi xin đề xuất một biện pháp, tuy rằng rất khó khăn, lâu dài và cần cả hệ thống đồng bộ, nhưng lại rất nhân văn: khơi dậy lòng tự trọng cá nhân, tạo những lá chắn nội lực tiềm ẩn trong mỗi con người vốn “nhân chi sơ tính bản thiện” này.

Hỡi mỗi cán bộ đương chức đương quyền, mỗi khi bị cám dỗ và lung lay vì vật chất, hãy dành ít phút để tự hỏi mình những câu hỏi sau đây trước khi hành động:

- Nó có hợp pháp không?

- Nó sẽ mang lại cho mình những gì?

- Sẽ ra sao nếu lãnh đạo và nhân viên của mình biết?

- Nếu hành vi tiêu cực của mình được đăng lên báo thì sao?

- Bố mẹ, vợ con mình sẽ như thế nào nếu mình bị bắt?

Lòng tự trọng của mỗi cá nhân là lá chắn đầu tiên và cũng là lá chắn cuối cùng cho mọi hành vi tiêu cực của người ấy. Tôi không hiểu hệ thống luật pháp ở Nhật Bản hay Phần Lan nghiêm minh đến đâu, nhưng tôi biết người dân nước họ có lòng tự trọng rất cao, được giáo dục từ thời thơ ấu.

Tôi thực sự đau lòng trước tình trạng gian dối nhiều như hiện nay và đau lòng hơn khi thấy nhiều người không còn cảm giác “xấu hổ” nữa.

Bùi Văn Thịnh (Gò Vấp, TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.