NSƯT Lê Thiện là cái tên được nhắc tới nhiều trong tiếc nuối. NSND Mỹ Uyên, trước khi lên nhận danh hiệu, chia sẻ cô rất tiếc khi nghệ sĩ Lê Thiện tới giờ này chưa có danh hiệu NSND trong khi bà vô cùng xứng đáng.
"Má Lê Thiện là người đóng góp cho sân khấu từ thời chiến tranh. Má là học sinh miền Nam ra đây để đóng góp cho văn công. Sau giải phóng, má về miền Nam cũng làm phó đoàn của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (một nhà hát công lập tại TP.HCM). Má không ngừng miệt mài làm việc. Má làm đủ mọi việc từ phim nghệ thuật tới sân khấu. Má có làm hồ sơ nhưng mà không được nên tôi cũng thấy rất buồn", NSND Đặng Thụy Mỹ Uyên nói.
Trong khi đó, theo NSND Mỹ Uyên, có rất nhiều nghệ sĩ được danh hiệu NSND mà khi nói tới chính người trong nghề cũng không hiểu là người đó đã có vai diễn nào để đời. Vì thế, trường hợp của bà Lê Thiện càng trở nên đáng tiếc hơn.
NSND Thanh Điền cũng nhắc tới NSƯT Lê Thiện đầu tiên khi được hỏi ý kiến về việc ai xứng đáng mà chưa được tôn vinh. "Có một người xứng đáng là chị Lê Thiện mà tiếc là chưa được", NSND Thanh Điền nói.
Nghệ sĩ Lê Thiện bắt đầu theo đoàn văn công quân đội Nam bộ đi hát cho đồng bào chiến sĩ từ khi mới hơn 11 tuổi. Bà hát ở Trường Sơn năm 1970, thời điểm Mỹ thả bom ác liệt. Tới năm 1979, bà biểu diễn ở chiến trường Campuchia, vừa động viên chiến sĩ, vừa là "ngoại giao văn hóa".
Năm 2022, hồ sơ của NSƯT Lê Thiện cũng được Sở VH-TT TP.HCM đưa lên đề nghị tặng danh hiệu NSND. Tuy nhiên, khi tới hội đồng xét danh hiệu nghệ sĩ của Bộ VH-TT-DL, hồ sơ này đã bị loại. Khi Bộ VH-TT-DL công bố danh sách để lấy ý kiến về việc tặng NSND, trong đó không có tên của NSƯT Lê Thiện. UBND TP.HCM sau đó cũng gửi văn bản kiến nghị Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL cùng Hội đồng cấp nhà nước xét tặng danh hiệu nghệ sĩ thay đổi kết quả này.
Văn bản của UBND TP.HCM cho rằng bà Lê Thiện và 5 nghệ sĩ khác (NSƯT Thanh Nguyệt, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Ngọc Khanh, NSƯT Linh Huyền và NSƯT Kim Dung) là những người có nhiều đóng góp cho hoạt động nghệ thuật, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả. Thêm vào đó, một số nghệ sĩ còn đào tạo, truyền nghề. Điều này đã góp phần bảo tồn nghệ thuật truyền thống đặc trưng Nam bộ trong bối cảnh sân khấu khó khăn, nghệ thuật truyền thống khó lan tỏa đến giới trẻ.
Về trường hợp của NSƯT Lê Thiện trượt NSND, NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu, năm 2022 cho rằng có những điều cần được xem xét linh hoạt. Chẳng hạn, NSƯT Lê Thiện làm sân khấu kịch và kịch truyền hình nhiều hơn cải lương trong những năm gần đây. Tuy nhiên, không nên vì thế mà cho rằng không thể xét bà ấy với tư cách nghệ sĩ cải lương.
"Các loại hình nghệ thuật có thể đan xen chứ. Xét danh hiệu phải nhìn lại công đóng góp, cống hiến cho nghệ thuật. Tiêu chí đầu tiên là những người suốt đời cống hiến cho phát triển nghệ thuật. Cái cuối cùng mới là việc có huy chương, đây chỉ là yếu tố bổ trợ thôi", ông Thọ nói.
Rõ ràng, với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng trong những chuyến biểu diễn ở Trường Sơn, ở Campuchia và những cống hiến nghề do chính người trong nghề ghi nhận, trường hợp trượt NSND của bà Lê Thiện quá đáng tiếc. Nó là nỗi buồn danh hiệu NSND.
Bình luận (0)