THUẬT CÂN BẰNG ÂM - DƯƠNG
TS Phan Thanh Hải cho biết, đúng nguyên tắc ngũ hành, hệ thống đàn miếu, chùa quán chủ yếu được bố trí ở phía tây kinh thành, cả ở bên trong và bên ngoài. Ở bên ngoài thì bên trên có điện Hòn Chén, dưới nữa là Khải Thánh từ (thờ thân phụ Khổng Tử), Văn Miếu, Võ Miếu, chùa Thiên Mụ, miếu Trung Hưng công thần… Bên trong kinh thành, ở phía tây là đàn Xã Tắc, miếu Đô Thành Hoàng, đàn Âm Hồn... Tức thế giới âm phần tồn tại song song với thế giới của những người đang sống. Đối với các kinh đô của Trung Quốc và VN trong lịch sử, việc quy hoạch khu vực lăng tẩm dành cho vua chúa luôn là vấn đề cực quan trọng.
Đối với kinh đô Huế, việc quy hoạch và xây dựng hệ thống lăng tẩm hoàng gia ở khu vực phía tây và tây nam, phía thượng nguồn sông Hương đã tạo nên một mô hình đô thị đặc biệt, độc đáo và gần như duy nhất trong các đô thị - kinh đô thời quân chủ. Đó là mô hình đô thị hài hòa, cân bằng âm - dương, trong đó phần dương cơ ở phía đông là kinh thành, phố thị; phần âm cơ là khu vực lăng tẩm, đàn miếu ở phía tây, tây nam. Sông Hương là trục mềm, là con đường nối kết giữa hai phần này.
Vua Gia Long đã dành rất nhiều thời gian công sức cho việc lựa chọn khu lăng tẩm cho ông và gia đình. Người tìm ra cuộc đất này lại chính là Lê Duy Thanh (con trai nhà bác học Lê Quý Đôn). Thiên Thọ lăng là khu vực mà vị hoàng đế đầu triều đã chuẩn bị cho cả dòng họ ông, một vùng rộng đến 2.875 ha, có đầy đủ các yếu tố của một cuộc đất "vạn niên cát địa". Từ tên gọi đến cách thức bố trí, khu lăng Thiên Thọ có khá nhiều điểm tương đồng với khu Thập Tam lăng thời Minh ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
Vua Minh Mạng lại muốn thay đổi. Để tìm được một cuộc đất "vạn niên cát địa" ưng ý tại chân núi Hiếu Sơn, ông đã mất đến 14 năm ròng rã (1826 - 1840). Nhưng bù lại, lăng vua Minh Mạng với tổng diện tích hơn 500 ha ở bên tả ngã ba Bằng Lãng là một cuộc đất tuyệt đẹp về phong thủy và cảnh quan. Quan trọng hơn, ông đã mở ra một hướng quy hoạch mới cho các lăng tẩm của vua chúa đời sau. Vua Tự Đức đã chọn lựa khu đất cho phụ thân ông (lăng Thiệu Trị - Xương lăng) và bản thân ông (Khiêm lăng) cũng theo cách nhìn của vua Minh Mạng.
Chính vì vậy, lăng tẩm các hoàng đế triều Nguyễn, đặc biệt là lăng tẩm của 4 vị vua đầu triều (Thiên Thọ lăng, Hiếu lăng, Xương lăng, Khiêm lăng) đều là những công trình có giá trị đặc biệt về nhiều phương diện, trong đó nổi bật là giá trị cảnh quan phong thủy.
NHỮNG NGÔI CHÙA TRẤN SƠN
Cùng với hệ thống đàn miếu, lăng tẩm phía tây nam kinh thành Huế, đặc biệt còn có những ngôi chùa tổ tọa lạc ở những vị thế đắc địa được các chúa Nguyễn sai người sang Trung Quốc mời những vị sư đạo cao đức trọng về chấn tích khai sơn.
Ngay dưới chân hòn Thiêng (núi Bân) xứ Thuận Hóa, vào khoảng thời gian từ 1682 - 1684, thiền sư Nguyên Thiều, hay còn gọi là Hoán Bích Nguyên Thiều, thuộc thế hệ thứ 33 của thiền phái Lâm Tế người Triều Châu (Quảng Đông, Trung Quốc) cũng sang Đại Việt hoằng pháp, lập nên tổ đình Quốc Ân.
Khoảng năm 1690, thiền sư Tử Dung, một cao tăng người Quảng Đông (Trung Quốc) thuộc phái Lâm Tế đời thứ 34, cũng đã sang VN truyền đạo. Ngài lập am tu bằng tre lá trên núi Hoàng Long, xứ Thuận Hóa. Sau đó, am tu được biến cải thành chùa và có tên là chùa Ấn Tôn (hay Tông, tức chùa Từ Đàm ngày nay), với ý nghĩa là "lấy sự truyền tâm làm tông chỉ".
Ngay ngọn núi được xem là đầu của rồng thiêng, chúa Nguyễn đã cho mời hòa thượng Giác Phong từ Trung Quốc đến chấn tích khai sơn (khoảng 1693 - 1714) và đặt tên là chùa Hàm Long (nay là chùa Báo Quốc). Sau khi xây chùa, ngay dưới chân núi được đào một giếng nước rất trong và ngọt (Hàm Long tĩnh).
Truyền thuyết thiền môn xứ Huế kể rằng, thời các chúa Nguyễn vào Nam lập nghiệp, đến định đô tại Thuận Hóa để thực hiện giấc mộng lập quốc an dân theo lời tiên tri của Bà Trời (Linh Mụ). Những đêm khuya tối trời, người dân thường trông thấy một con rồng to xuất hiện trên không trung, làm mưa làm gió, quấy nhiễu dân tình. Trong cung, triều cương nhiễu loạn.
Các chúa bèn tìm người tinh thông địa lý đến khảo sát, mới hay, ngay trước mặt kinh thành Phú Xuân có một dãy núi thiêng, có hình dáng một con rồng với nhiều long mạch khắc chế với đế quyền, cần phải có cao nhân trấn thủ điều phục điềm xấu. Từ đó, các chúa cho phép các thiền sư đạo cao đức trọng đến cắm tích trượng vào những huyệt địa để thuần phục rồng thiêng, buộc chầu thiên đế. Quả nhiên, rồng thiêng không còn quậy phá nữa. Do vậy mà vùng đồi núi này có tên là Bình An Sơn.
Các ngôi chùa này đều tọa lạc trên dãy Bình An Sơn, tức ở những vị trí long mạch trên lưng rồng thiêng. Và cũng kỳ lạ là chính vùng cảnh quan được đặt tên Bình An Sơn này đã phát tích nên dòng thiền VN thứ 2, sau dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, đó là dòng thiền Liễu Quán. Dòng thiền Việt này do tổ Liễu Quán, ngài họ Lê, húy Thiệt Diệu (sinh năm Đinh Mùi, 1667 - viên tịch 1742), quê ở làng Bạch Mã, nay là TX.Sông Cầu, Phú Yên) ra Thuận Hóa học đạo, được tổ Minh Hoằng Tử Dung (tổ đình Từ Đàm) ấn chứng và sau đó đã sáng lập nên dòng thiền Liễu Quán, xuất phát từ tổ đình Thiền Tôn (trên núi Thiên Thai, nay thuộc thôn Ngũ Tây, P.An Tây, TP.Huế).
Điểm đáng chú ý liên quan đến phong thủy là nếu cuộc đất phía bắc sông Hương gắn liền Kinh đô Huế với vương triều 13 đời vua, đã lập nên Đế hệ thi để truyền đế thì phía bên kia sông Hương đã trở thành kinh đô Phật giáo với dòng thiền Liễu Quán có Pháp kệ truyền thừa. Hai dòng chảy của thế tục và tôn giáo này đã hình thành nên đặc trưng của văn hóa Huế trầm mặc cho đến hôm nay.
Bình luận (0)