Nam Đô, dưới sự chăm sóc của ông bầu - nhạc sĩ Bảo Thu kiêm ảo thuật gia Nguyễn Khuyến, được xem là phòng trà có nhiều ca sĩ nhất Sài Gòn. Ra đời vào tháng 3.1970, lò nhạc của Bảo Thu đã biến hóa nhiều cô gái trở thành ca sĩ. Phòng trà này trước đây nằm ở khu cao ốc trên đường Nguyễn Thái Học, góc Phạm Ngũ Lão.
tin liên quan
Phòng trà ca nhạc Sài Gòn xưa: Mặt trăng và mặt trời ở phòng trà Tự DoVới một lực lượng ca sĩ, ban nhạc hùng hậu và nổi tiếng, cộng với lợi điểm nằm giữa trung tâm thành phố, phòng trà Tự Do của ông Ngô Văn Cường xuất hiện đều trên các mặt báo lúc đó.
Những cô gái có giọng hát không đến nỗi nào có thể đến đây và sau một thời gian “thụ huấn” sẽ được giới thiệu ra mắt tại phòng trà này. Thay vì bắt đầu giới thiệu ca sĩ chính ra hát, từ khoảng 20 giờ đến 20 giờ 45, Bảo Thu dùng cây đũa thần của mình để tạo ra những “mầm non” văn nghệ. Sau đó là “giờ nhạc yêu cầu”, ca sĩ trẻ sẽ hát những nhạc phẩm theo yêu cầu của khán giả.
Giọng ca đến từ Đà Lạt
Nữ ca sĩ Thanh Tuyền là giọng ca của đĩa nhựa và băng nhạc. Nhưng với phong trào nữ ca sĩ hát phòng trà thì Thanh Tuyền cũng không thể bỏ lỡ cơ hội. Giọng ca của cô thuộc loại hàng hiếm trong những nhạc phẩm của thể loại bolero, tango, boston. Cô có một giọng ca mà báo chí cho là mang âm hưởng thuần túy VN.
Thanh Tuyền là con gái của xứ đồi thông hai mộ. 17 tuổi, cô làm một chuyến về Sài Gòn cho biết sự tình rồi dừng lại hẳn ở thành phố ồn ào, là đất đứng cho biết bao giọng ca tài năng. Giọng ca của Thanh Tuyền đến với công chúng vào năm 1965, bắt đầu từ nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông.
Số là vào một ngày cuối năm 1964, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Hãng đĩa Continental, tình cờ dự một buổi trình diễn văn nghệ của Trường nữ trung học Bùi Thị Xuân (Đà Lạt). Trong buổi diễn này, ông giám đốc hãng đĩa đã phát hiện ra giọng ca đặc sắc của cô nữ sinh đệ tam có cái tên Thanh Tuyền. Nguyễn Văn Đông đã đến nhà Thanh Tuyền, thuyết phục cha mẹ cho phép cô về Sài Gòn thu đĩa nhựa. Và rồi Thanh Tuyền cắt đứt chuyện đèn sách để đi vào sự nghiệp cầm ca năm 17 tuổi. Cô là giọng ca nữ đầu tiên thành công từ đĩa nhựa với bài Dấu chân kỷ niệm của Mạnh Phát, chứ không phải bằng con đường hát trên đài phát thanh, đại nhạc hội hay phòng trà (lúc đó chưa có ti vi).
Tuy nhiên, đến năm 1966, Thanh Tuyền mở rộng địa bàn hoạt động, làm quen với thế giới phòng trà. Tên tuổi của “một dòng suối xanh” được viết trong những tờ giới thiệu chương trình của bốn phòng trà lớn ở Sài Gòn trong đó có Nam Đô, cho tới khi các phòng trà này tạm đóng cửa mặc dù có nhận định rằng gương mặt của cô không phù hợp với ánh đèn phòng trà. Với Thanh Tuyền, hát thu đĩa nhựa để kiếm sống nhưng hát trong không khí phòng trà thanh lịch mới là sự thích thú.
Nữ hoàng sầu muộn
Đó là biệt danh giới báo chí Sài Gòn ngày trước “phong” cho nữ ca sĩ mang tên thật là Đỗ Thị Sinh. Giao Linh có dáng gầy cao và gương mặt rất, rất buồn.
Giao Linh là công chức của Hãng máy bay Air VN. Đại diện cho “hãng xe đò Giao Chỉ” (cũng là biệt danh báo chí đặt cho Air VN) tham dự một chương trình văn nghệ quần chúng và “hậu quả” cô nhận một cái huy chương vàng. Cô Sinh bước vào làng ca nhạc từ đấy khi nhạc sĩ Thu Hồ nghe được giọng hát của nàng, mời nàng thu giọng cho Hãng đĩa Continental, sau đó Hãng Continental ký hợp đồng thu đĩa độc quyền giọng ca Giao Linh trong 3 năm với nhiều nhạc phẩm bolero. Sau khi hết hạn hợp đồng, Giao Linh tiếp tục cộng tác với các hãng đĩa khác cũng như ra mắt băng nhạc Sơn Ca 6 với giọng ca của riêng mình.
Giao Linh sinh ra trong một gia đình gồm 7 anh chị em nhưng không ai tham gia nghệ thật, chỉ có cô đam mê ca hát từ nhỏ. Mẹ vẫn lén mời thầy về dạy nhạc cho cô dù người cha không đồng ý. Giao Linh là ca sĩ có tính tình dễ thương, ngoan đạo, không hợm hĩnh. Chỉ có điều, khoảng năm 1972 cô dính vào cuộc tình với nha sĩ - thiếu tá Ph., người đã có vợ con và bố mẹ ông này đăng bố cáo trên báo: “Không chấp nhận ai ngoài người vợ của ông Ph. là con dâu”... Có phải chăng, vì vậy mà gương mặt, với mái tóc không thay đổi, Giao Linh luôn phảng phát nét sầu mộng?
Mai Lệ Huyền: Giọng ca tủ lạnh
Ngoài giờ hát ở phòng trà Nam Đô, Mai Lệ Huyền còn thu đĩa, hát trên ti vi với Hùng Cường. Thời ấy, hai tên tuổi Hùng Cường và Mai Lệ Huyền thường đi đôi với nhau khi trình diễn những bản nhạc giai điệu mạnh như twist, à go go, soul... Có với nhạc sĩ Trần Trịnh (tác giả bài Lệ đá) một con, sau đó chia tay và sống với đạo diễn Trần Công Vịnh - một người mà nàng cho là “thần tượng sẵn sàng hy sinh sự nghiệp cho tình yêu”.
|
Bình luận (0)