Phòng trà ca nhạc vất vả tìm chỗ đứng

30/12/2010 09:06 GMT+7

Năm qua, hoạt động kinh doanh của các phòng trà ca nhạc không mấy khả quan, thậm chí có một số nơi phải đóng cửa.

Dù phòng trà nào cũng cố gắng duy trì, xây dựng thương hiệu bằng cách tạo nên những nét tươi - mới - lạ để thu hút khách, thế nhưng những khó khăn về kinh tế, sự bão hòa của thị trường âm nhạc và nhiều nguyên nhân khách quan khác đã khiến không ít phòng trà thua lỗ…

Điểm hẹn của người yêu nhạc

Từ lâu, phòng trà được đông đảo khán giả yêu thích ca nhạc khẳng định là điểm hẹn giải trí thú vị cho họ, nhất là vào những tối cuối tuần. Chính không gian nhỏ, gọn, ấm cúng của phòng trà đã tạo nên sự gần gũi, thân tình và thoải mái cho cả người biểu diễn lẫn người thưởng thức nghệ thuật. Không gian nhỏ ấy phù hợp cho những trái tim đồng điệu về âm nhạc, những khách tri âm của các nghệ sĩ, nhạc sĩ – chủ nhân phòng trà.

Tại TPHCM, có những cái tên phòng trà đã rất quen thuộc với công chúng yêu nhạc như: ATB, Không Tên, Văn Nghệ (nay là Tiếng Xưa), Đồng Dao, Tiếng Dương Cầm, Tình Ca, Nhạc Trịnh, MTV… có những phòng trà một thời nổi tiếng vì phong cách âm nhạc độc đáo, dù hiện nay một số phòng trà đã ngưng kinh doanh.

Nơi đó, khán giả tìm được khoảng trời rất riêng của mình trong những tình khúc nhạc xưa, nhạc trữ tình chọn lọc, ca khúc quốc tế, hoặc những giai điệu sôi nổi của nhạc trẻ hiện đại. Và theo từng phong cách âm nhạc riêng, phòng trà đã trở thành nhịp cầu cho các nghệ sĩ, ca sĩ hải ngoại về nước biểu diễn, phục vụ khán giả quê nhà.

Không thể phủ nhận, từ khi các phòng trà đi vào hoạt động, chính sách mở cửa trên nhiều lĩnh vực thông thoáng, trong đó có lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đã giúp lực lượng ca sĩ, nghệ sĩ hải ngoại về nước ngày càng đông đảo, lịch diễn dày đặc hơn. Các ca sĩ trong nước lại có thêm nhiều cơ hội biểu diễn, phát huy nghề. Chính sự đa dạng trong cách thức tổ chức biểu diễn của các phòng trà đã góp phần không nhỏ làm sôi động sự phát triển của thị trường âm nhạc tại TPHCM và cả nước.

Tuy nhiên, nhìn lại thời gian qua, nhiều người trong giới nghệ thuật nhận định, thời đỉnh cao của hoạt động kinh doanh phòng trà đã qua!

Tồn tại vì những đam mê

Trong vài năm trở lại đây, đã có không ít phòng trà đóng cửa vì thua lỗ. Ngoài việc kinh tế gặp nhiều khó khăn, thị trường âm nhạc bão hòa còn có nhiều nguyên nhân khác như có quá nhiều chỗ vui chơi giải trí mới mở ra đã tạo điều kiện lựa chọn cho khán giả; một số người kinh doanh phòng trà không chú trọng nghệ thuật, ca sĩ phòng trà mải mê chạy show khiến chất lượng biểu diễn không cao.

Không ít khán giả ngao ngán vì gặp hoài những những gương mặt ca sĩ chạy show ở hầu hết các phòng trà. Những lý do đó ít nhiều đã làm cho nghệ thuật biểu diễn ở các phòng trà đi xuống, giảm hẳn sức thu hút với khán giả.

Nhạc sĩ Lê Quang cho biết, năm nay phòng trà Không Tên của anh và mấy người bạn cùng đầu tư đã giảm đến 30% doanh thu so với năm trước. Phòng trà ATB của ca sĩ Ánh Tuyết, từ khi dời điểm diễn xa khu trung tâm thành phố liền vắng khách hẳn.

Ca sĩ Ánh Tuyết trăn trở: “Tôi cố gắng duy trì hoạt động của phòng trà cũng chỉ để thỏa niềm đam mê, sự yêu thích. Không chỉ thế, hiện tôi đang tập trung xây dựng một nhóm bè chuyên nghiệp, dự định sẽ đầu tư độc quyền một số ca sĩ để họ có nhiều thời gian chăm chút hơn cho chuyên môn”.

Ca sĩ Duy Quang từng nỗ lực giúp phòng trà Tình Ca có một lượng khách quen đông đảo, nhưng vì thời thế, Tình Ca đóng cửa, tâm tình và khát khao nghệ sĩ vẫn day dứt khôn nguôi trong anh. Đến giữa tháng 12-2010, anh và những người bạn thân đã cùng góp sức tạo nên một khung trời âm nhạc mới – phòng trà Duy Tân, nằm ở vị trí đẹp trên đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3.

Ca sĩ Duy Quang cho biết: “Khi mở phòng trà mới, chúng tôi mong muốn tạo được một sân chơi riêng cho anh em, các thân hữu và là nơi gặp gỡ, giao lưu giữa nghệ sĩ và khán giả - những tâm hồn đồng điệu. Chúng tôi cũng cố gắng tạo những chương trình đặc biệt, ví dụ như từ thứ hai đến thứ năm thực hiện chương trình nhạc quốc tế lời Việt – đó là những bài hát của những năm 60, 70 với những ca khúc bất tử của The Beatles, CCR, James Taylor, Carol King… và những bài nhạc Pháp của một trời kỷ niệm mang phong cách vui tươi”.

Riêng chủ phòng trà Văn Nghệ, sau khi đóng cửa phòng trà này đã âm thầm gầy dựng một phòng trà mới với tên gọi Tiếng Xưa, biến hóa phòng trà thành một sân khấu ca vũ nhạc khá đặc biệt. Ngoài những bản tình ca quen thuộc của các tác giả Phạm Đình Chương, Trịnh Công Sơn, Trần Thiện Thanh, Văn Phụng, Châu Kỳ, Lam Phương, Y Vân…, Tiếng Xưa thường xuyên diễn các vở nhạc kịch Trầu Cau, Lan và Điệp, Mối tình Trương Chi – Mỵ Nương, Hòn Vọng Phu… được dàn dựng công phu, phục vụ một lượng khách đông đảo...

Những nét tươi mới ấy đã và đang góp sức cố gắng khôi phục lại hoạt động sôi nổi của các phòng trà. Phải nhìn nhận rằng, chỉ có những người yêu thích nghệ thuật lắm mới dám đứng ra kinh doanh phòng trà. Đó cũng là những nỗ lực lớn của những người nghệ sĩ tâm huyết và yêu nghề.

Một năm vất vả đã qua, hy vọng năm 2011, hoạt động của các phòng trà sẽ sôi nổi hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển âm nhạc TPHCM trong giai đoạn mới.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.