Phong trào bất tuân dân sự tạo lớp người Hồng Kông mới

05/12/2014 15:00 GMT+7

(TNO) Phong trào bất tuân dân sự đã tạo ra một thế hệ người Hồng Kông ý thức chính trị mạnh mẽ nhưng lại đang mất dần sự ủng hộ của người dân, bạo lực leo thang, theo ông Đới Diệu Đình trong bài viết đăng trên The New York Times .

Tuy nhiên, Đới Diệu Đình cũng nhận định rằng cuộc biểu tình thành công vì nó làm thức tỉnh một thế hệ người Hồng Kông
Tuy nhiên, Đới Diệu Đình cũng nhận định rằng cuộc biểu tình thành công vì nó làm thức tỉnh một thế hệ người Hồng Kông - Ảnh: AFP

The New York Times ngày 4.12 đăng tải bài viết của Đới Diệu Đình (Benny Tai), Phó Giáo sư luật tại Đại học Hồng Kông và là người khởi xướng phong trào Chiếm Trung Hoàn tại Hồng Kông. Trong bài viết, ông Đới lý giải tại sao đã đến lúc phong trào này chấm dứt.

Trái với quan điểm của nhiều người biểu tình rằng phong trào của họ hầu như chưa gặt hái được thành tựu gì, Đới Diệu Đình cho rằng cuộc biểu tình đã “thức tỉnh khát vọng chính trị của một thế hệ người Hồng Kông”. Ông gọi những người biểu tình là Thế hệ Dù (lấy từ cách gọi Phong trào Dù để chỉ cuộc biểu tình – NV).

So với cha ông họ, thế hệ này năng nổ, linh hoạt, sáng tạo và cứng cỏi hơn, vị phó giáo sư nhận định. Những người trẻ không xem sự an toàn về thân thể lẫn kinh tế là mối lo lớn nhất, họ quan tâm đến “quyền được biểu đạt, sự bền vững, sự ngay thẳng và công lý”.

Bạo lực leo thang
Bạo lực leo thang - Ảnh: Reuters

Cũng theo ông Đới, thế hệ này chính là vũ khí tốt nhất Hồng Kông có thể trông đợi nếu muốn đạt được quyền bầu cử phổ thông đầu phiếu.

Ở mặt khác, Đới Diệu Đình cũng chỉ ra rằng cuộc biểu tình đang mất đi sự ủng hộ từ công chúng. Ông dẫn khảo sát mới nhất của Đại học Hồng Kông, theo đó 80% những người trả lời nói rằng họ không ủng hộ phong trào này tiếp tục.

Ngoài ra, rõ ràng có nhiều người đã không còn tuân thủ nguyên tắc bất bạo đồng ban đầu của phong trào này. Sự an toàn của người biểu tình cũng đang trở nên đáng lo hơn trong bối cảnh cảnh sát Hồng Kông mạnh tay hơn, còn người biểu tình thì mất kiểm soát, theo bài viết trên The New York Times.

Joshua Wong là ví dụ cho sự “cứng rắn” của thế hệ mới này. Bất chấp những lời kêu gọi rút lui, thủ lĩnh 18 tuổi này vẫn tuyệt thực
Joshua Wong là ví dụ cho sự “cứng rắn” của thế hệ mới này. Bất chấp những lời kêu gọi rút lui, thủ lĩnh 18 tuổi này vẫn tuyệt thực - Ảnh: Reuters

Vì những lý do trên, Đới Diệu Đình kết luận cuộc chiếm đóng tại Hồng Kông đang trở thành một canh bạc lời ít mà rủi ro lại cao. Theo ông, đây là lúc người biểu tình cân nhắc đường đi nước bước mới. Một mặt họ cần thuyết phục những người dân khác đứng về phía mình, mặt khác gây áp lực tiếp lên chính quyền. Đới Diệu Đình đề xuất một vài phương án như từ chối đóng thuế, bất hợp tác,…

Ngoài ra, ông cũng cho rằng người biểu tình cần gánh chịu hậu quả pháp lý từ việc biểu tình, để chứng tỏ rằng họ về tổng thế vẫn tôn trọng luật pháp, và chỉ muốn thay đổi một vài điều luật bất công.

Cuối cùng, ông dự đoán rằng nếu gốc rễ của vấn đề người biểu tình đưa ra không được giải quyết hợp lý và thấu đáo, những cuộc khủng hoảng mới trước sau cũng sẽ nổ ra, và sẽ dữ dội hơn.

Ông Đới Diệu Đình (ở giữa) và 2 nhà đồng lãnh đạo nhóm Chiếm Trung Hoàn
Ông Đới Diệu Đình (ở giữa) và 2 nhà đồng lãnh đạo nhóm Chiếm Trung Hoàn - Ảnh: Reuters

Trong một diễn biến khác, ngày 4.12, Joshua Wong (Hoàng Chi Phong), thủ lĩnh nhóm hoạt động học sinh Học dân Tư triều (Scholarism) không chấp nhận rút lui và vẫn tiếp tục tuyệt thực, theo South China Morning Post. Joshua Wong đã phải uống glucose sau khi lượng đường trong máu tụt xuống mức nguy hiểm.

Trong khi đó, một nhóm lãnh đạo khác của phong trào biểu tình là Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông (HKFS) đang cân nhắc việc rút lui hay ở lại. Lương Lệ Quắc, đại diện HKFS, nói rằng quyết định sẽ được đưa ra trong một tuần.

Hà Chi

>> Hơn 200 người bị điều tra vì biểu tình Hồng Kông
>> Lãnh đạo biểu tình Hồng Kông đầu thú nhưng không bị bắt
>> Người khởi xướng Chiếm Trung Hoàn đầu hàng chính quyền Hồng Kông
>> Đụng độ ác liệt tại Hồng Kông  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.