Kỹ năng sống (KNS) là một trong những khái niệm hết sức thời thượng trong giai đoạn hiện nay. Ở đâu và lúc nào, người ta cũng có thể bàn về khái niệm này. Một làn sóng đua nhau đi học KNS diễn ra ào ạt khắp các tỉnh, thành, đặc biệt là thành phố lớn khiến các trung tâm đào tạo KNS phát triển rầm rộ.
>> Giáo dục hay nhồi nhét kỹ năng sống
Thiếu KNS hay kỹ năng mềm ở học sinh - sinh viên là một trong những cách nói phổ biến. Yêu cầu phải bổ sung KNS bức thiết đến mức năm học 2010-2011, Bộ GD-ĐT đã chính thức lồng ghép KNS vào chương trình các môn văn hóa từ lớp 1 đến 12 với tổng cộng 21 kỹ năng.
Thế nhưng KNS là gì và dạy như thế nào không phải ai cũng biết. Chính chuyên gia của Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận: “Trong 10 giáo viên hiện nay chỉ có khoảng 2-3 người đáp ứng được yêu cầu về giảng dạy KNS”. Lãnh đạo của nhiều trường cũng bối rối vì không ít giáo viên nghĩ rằng KNS là dạy đạo đức. Chính vì những điều này nên dù hết sức cố gắng, việc dạy KNS ở các trường phổ thông hiện nay còn hết sức khiên cưỡng, nặng nề cho cả thầy và trò.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), KNS là “khả năng thích nghi và hành vi tích cực cho phép cá nhân có khả năng đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hằng ngày”. Tổ chức này cũng chỉ rõ đối với trẻ em, KNS (life skills) có thể là những khả năng đáp ứng nhu cầu cụ thể của cuộc sống như chuẩn bị thức ăn, vệ sinh, chạy xe và sử dụng phương tiện công cộng, cách thức để an toàn và sống sót, quản lý tài chính, cách diễn đạt, tổ chức… Và KNS đôi khi khác biệt với các kỹ năng nghiệp vụ.
Như vậy, KNS không phải những gì quá to lớn, cao cả mà chính là những điều thiết yếu diễn ra hằng ngày. Nhận thức được điều này thì việc lồng ghép giảng dạy KNS cho học sinh mới sống động và thực sự có ích. Đó cũng không phải là bài giảng về luân lý, đạo đức, xã hội một cách gượng ép, sống sượng khiến học sinh khó tiếp thu. Trong thực tế có muôn vàn sự kiện, biến cố nên cũng không thể đặt ra số lượng bao nhiêu KNS cần phải được dạy, được học. Vấn đề quan trọng hơn là nhà trường, gia đình cần phải hướng học sinh đến một phương pháp để giải quyết vấn đề, đối phó trước thực tế. Cũng như người ta thường nói hãy cho người cần giúp đỡ cần câu cá chứ không phải con cá.
KNS, theo khái niệm như vậy, rõ ràng không thể chỉ học trong ngày một ngày hai mà phải được giáo dục lâu dài để trở thành thói quen. Chính vì vậy, mong muốn chỉ trong một vài bài học mà học sinh có thể đạt được KNS theo yêu cầu là một điều không tưởng. Cũng như thế, nhiều phụ huynh nghĩ rằng cho con tham gia các khóa KNS trong vòng vài ngày giúp con thay đổi hoàn toàn là một điều không thực tế.
KNS, theo cách hiểu thông thường, cũng không hẳn chỉ giảng dạy ở trường học, các trung tâm. Chính trong sinh hoạt mỗi ngày, thói quen, nền nếp của từng gia đình cũng góp phần dạy trẻ hành vi, khả năng ứng phó trước mọi tình huống trong cuộc sống.
Giáo dục là sự bền bỉ, dài lâu và phải dựa trên một nền tảng vững chắc. Dạy KNS, cũng như thế, “dục tốc bất đạt” và cũng không phải làm để cho có theo phong trào, được chăng hay chớ.
Thùy Ngân
Bình luận (0)