|
“Có cung ắt có cầu” !
Theo thống kê của Sở VH-TT-DL Bình Thuận, toàn tỉnh hiện nay có gần 7.000 phòng lưu trú đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, vào mùa cao điểm, kiếm “chảy máu mắt” không ra một phòng trong các resort vì họ đã bán trọn gói cho các công ty du lịch. Biết được “điểm yếu” này của Mũi Né, nhiều ông “chủ nhỏ” đã nhanh chóng cho xây dựng các nhà trọ, nhà nghỉ mini ven biển của hai phường Mũi Né và Hàm Tiến. Anh Nguyễn Hùng, KP1, P.Hàm Tiến (TP.Phan Thiết) cho biết: “Tôi thấy có nhu cầu là quyết định xây phòng trọ. Dù chỉ có 15 phòng nhưng tôi xây dựng bài bản nên có khách quanh năm. Nhiều khách ở phòng trọ của tôi tới vài ba tháng mới về nước”.
|
Còn vhị Thu Ba, người Hà Nội vào Mũi Né kinh doanh phòng massage nói: “Trong các resort giá dịch vụ spa khá cao nên cơ sở của tôi luôn có khách. Chúng tôi sống được là nhờ khách Tây thích dịch vụ này vừa đạt yêu cầu vừa rẻ tiền”. Theo quan sát của Phóng viên Thanh Niên, hiện nay có hàng trăm nhà nghỉ mini, cơ sở spa hay massage, nhà hàng ăn uống đang kinh doanh song song với các dịch vụ vốn rất đắt tiền trong các resort.
Phá vỡ thương hiệu Mũi Né
Mũi Né được ngành du lịch quy hoạch là điểm đến tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia với các dịch vụ và cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Thương hiệu Mũi Né hiện được đánh giá là một thương hiệu mạnh không chỉ của Bình Thuận mà còn được xếp đẳng cấp khu vực và cả nước.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận, ông TrầnVăn Bình cho rằng hiện nay nhiều dịch vụ “không nằm vào quy hoạch nào cả” đang làm xấu đi hình ảnh Mũi Né. Ông Bình ví dụ cụ thể tình trạng khách sạn, phòng trọ mini đang mọc lên “như nấm” ở Mũi Né là một biểu hiện cụ thể nhất của tình trạng này.
Cũng theo ông Trần Văn Bình một resort có thể phải đầu tư hàng triệu USD mới có được cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên đạt chuẩn, nhưng có lúc không thu hút được khách. Trong khi đó, hàng trăm nhà nghỉ, khách sạn mini chỉ đầu tư ít tiền xây dựng hơn chục phòng cho khách thuê dài hạn lại đang kiếm tiền rất nhiều. “Hệ thống nhà nghỉ mini thiếu dịch vụ, hoặc dịch vụ không tốt làm cho du khách lầm tưởng đó là dịch vụ của thương hiệu du lịch Mũi Né. Cái này không chỉ ảnh hưởng xấu mà còn phá vỡ thương hiệu của biết bao người dày công tạo dựng nên bấy lâu nay cho Mũi Né”- Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận bộc bạch.
Ông Lê Bình, giám đốc điều hành một resort 4 sao của Mũi Né kể, bây giờ tình trạng khách ở trong resort, nhưng không sử dụng dịch vụ của resort rất phổ biến. “Khách Tây chỉ ngủ trong resort, ra bờ kè, hay quán nhậu ven đường ăn uống, khiến nhà hàng trong resort ế ẩm và không có phụ thu. Điều này ảnh hưởng nặng đến lợi ích của các doanh nghiệp vốn đầu tư bài bản để có dịch vụ cao cấp”.
Cũng theo Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận Trần Văn Bình, tình trạng khách Nga được đưa đến Mũi Né hiện nay rất “bát nháo”. Ông Bình cho biết, có hàng trăm văn phòng lữ hành ở Mũi Né làm dịch vụ cho khách Nga khiến tình trạng này lộn xộn.
“Mở cái văn phòng hơn chục mét vuông, thuê một hai nhân viên, treo bảng tiếng Nga lên thế là thành văn phòng điều hành tour, không ai quản lý hết, chẳng biết họ làm gì”- ông Trần Văn Bình bức xúc nói.
Quế Hà
>> Resort Mũi Né "cháy phòng" dịp lễ
>> Xử lý biển hiệu tiếng nước ngoài ở Mũi Né
>> Ngoạn mục thi chạy vượt đồi cát Mũi Né
Bình luận (0)