Phòng trọ tăng giá: Người ở trọ khổ sở vì phải chuyển chỗ ở nhiều lần

Thảo Phương
Thảo Phương
13/07/2024 07:24 GMT+7

Phòng trọ tăng giá, an ninh không đảm bảo hoặc quá xa, gặp vấn đề với chủ nhà hay bạn chung phòng… là vô vàn lý do khiến người trẻ buộc phải chuyển trọ.

"Kiếp nạn" chuyển trọ

Mỗi lần chủ nhà trọ tăng giá, người ở trọ phải vận chuyển đồ đạc lỉnh kỉnh, thu xếp, dọn dẹp lại từ đầu là nỗi khổ của rất nhiều người. Vất vả, tốn thời gian và công sức nhưng không chuyển thì không được.

Đã 3 lần chuyển chỗ ở, hiện đang loay hoay tìm phòng trọ mới và bạn ở ghép, Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, kể: "Phòng trọ đầu tiên của mình mọi thứ đều rất tốt nhưng bạn ở ghép thì không được như vậy. Tụi mình nảy sinh nhiều vấn đề không thể giải quyết được nên mình mới dọn đi. Sang nơi ở mới, mình sống trong nhà trọ chung chủ, tưởng chừng mọi thứ đã ổn định nhưng "kiếp nạn" lại ập tới".

Phòng trọ tăng giá: Người ở trọ khổ sở vì phải chuyển chỗ ở nhiều lần- Ảnh 1.

Mỗi lần chuyển trọ, mọi người thường phải sắm sửa, bài trí thêm nhiều vật dụng

Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Thảo kể vì gặp vấn đề với chủ nhà trọ nên đang tìm chỗ ở mới. "Vấn đề khá nhạy cảm mình không tiện kể. Hiện tại vì quá lo sợ nên mình không dám tiếp tục ở đó. Cho nên phải dọn sang phòng trọ của bạn ở tạm vài ngày trong thời gian tìm chỗ mới", nữ sinh này chia sẻ.

Thảo cho biết mỗi lần chuyển nơi ở là một "kiếp nạn", vì khi tìm được phòng trọ ưng ý, phù hợp túi tiền thì lại không kiếm được bạn ở ghép phù hợp. "Mình chạy khắp nơi xem phòng, chỗ ở ưng ý thì giá lại hơi cao phải tìm bạn ở ghép để chia tiền nhà. Vì vậy, mình không dám chốt phòng mà phải về hỏi thăm xem có ai cũng đang tìm trọ không. Nếu không tìm được bạn ở cùng thì lại phải đôn đáo tìm phòng khác mức giá phù hợp hơn", Thảo nói.

Tương tự, cũng rất ngán ngẩm cảnh phải chuyển trọ, Nguyễn Thị Lựu (23 tuổi, ngụ P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức, TP.HCM) kể: "Mình là người thích sự ổn định, ở đâu là quen đó không muốn chuyển nhưng nhiều lý do buộc phải đổi nơi ở".

Trong năm nay Lựu đã chuyển chỗ ở 3 lần. "Sau khi rời ký túc xá, mình dọn vào ở nhà trọ sleep box (hộp ngủ - PV) với giá thuê 1,5 triệu đồng/tháng, phòng 6 người để tiết kiệm chi phí. Mình cứ nghĩ khi đã ở ký túc xá rồi thì qua đây sẽ dễ dàng thích nghi, thế nhưng không phải như vậy. Ở chung phòng nhưng phần ai nấy sống, không ai nói chuyện với nhau. Vì phòng rất hẹp nên mỗi lần nói chuyện điện thoại mình phải ra ngoài hành lang. Sáng dậy hay tối về là 6 người xếp hàng sử dụng 1 nhà vệ sinh rất bất tiện", Lựu kể.

Do vậy, khi hết hợp đồng 6 tháng, Lựu liền chuyển sang phòng trọ mới. Nhưng ở chưa được bao lâu lại phải chuyển đi. "Vì giá thuê phòng cao, ban đầu mình chỉ định ở 1 - 2 tháng rồi chờ em gái từ quê vào ở cùng. Tuy nhiên, sau này em ấy có định hướng khác nên không vào nữa. Mình phải chuyển đi vì không kham nổi tiền trọ", cô nàng chia sẻ.

Với Lựu, 3 lần chuyển trọ đều cảm thấy rất mệt mỏi vì đồ đạc lỉnh kỉnh. "Mình phải mua thùng giấy về đóng đồ đạc cho gọn. Qua phòng mới phải dọn dẹp, bài trí lại tất cả mọi thứ. Phải mất hơn 1 tuần mình mới ổn định với nơi ở mới, rất mất thời gian và công sức", Lựu cho hay.

Cách nào để có một chỗ trọ ổn định ?

Vậy làm thế nào để có một chỗ ở tốt, ổn định để chuyên tâm vào chuyện học hành và làm việc? Cũng từng phải chuyển trọ vì nhiều lý do, Nguyễn Thị Hồng Ngân (23 tuổi, làm việc ở Q.Tân Bình, TP.HCM) rút ra cho mình nhiều bài học.

Phòng trọ tăng giá: Người ở trọ khổ sở vì phải chuyển chỗ ở nhiều lần- Ảnh 2.

Đồ đạc cồng kềnh mỗi khi chuyển phòng

"Mỗi lần chuyển trọ là mình ám ảnh, vừa mất thời gian, công sức, tiền bạc lại vất vả vô cùng. Để tiết kiệm chi phí nên mình tự vận chuyển đồ đạc sang chỗ mới. Có những món đồ không mang đi được nên mình thanh lý với giá rẻ và sang nơi ở mới phải mua lại, tốn khá nhiều tiền. Chưa kể từ lúc tìm phòng trọ đến khi dọn đi, qua chỗ mới sắp xếp đồ đạc cũng phải mất 1 tháng mới ổn định. Vì vậy, bây giờ nhắc đến việc chuyển trọ là mình sợ luôn", Ngân chia sẻ.

Hiện gắn bó với phòng trọ nơi đang ở gần 2 năm, Ngân chia sẻ kinh nghiệm tìm phòng có thể ở lâu dài: "Trước khi chuyển đến mình phải tìm hiểu thật kỹ về nơi ở để tránh những phiền phức không đáng có về sau. Lúc đến xem trọ mình hay nói chuyện hỏi thăm những phòng xung quanh để biết họ làm công việc gì, tính cách như thế nào. Đồng thời, khi đi xem trọ mình hay đến nơi đó cả ban ngày lẫn buổi tối, vì có như vậy mới biết khu vực đó an ninh hay không. Về những điều khoản với chủ trọ mình sẽ trao đổi rõ ràng ngay từ đầu, còn bạn cùng phòng thì mình chỉ ở cùng những người đã quen biết từ trước để tránh rắc rối không đáng có".

Cũng đã gắn bó với phòng trọ hiện tại được 6 năm nay, Nguyễn Văn Hậu (24 tuổi), ở trọ trong khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM, chia sẻ: "Vì xác định ở lâu dài nên khi tìm phòng trọ chịu khó tìm hiểu kỹ một chút chứ đừng nôn nóng mà quyết định vội. Bên cạnh giá cả, không gian phòng phù hợp thì mình rất lưu tâm đến vấn đề an ninh và hàng xóm xung quanh. Lúc mình vào thuê thì những phòng bên cạnh cũng đều là sinh viên, các bạn rất ý thức nên sống ở đó khá tốt. Giá cả điện nước cũng phù hợp…". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.