Việc Bộ Thông tin - Truyền thông vừa mạnh tay xử phạt Báo điện tử Trí thức trẻ do đăng bài nhảm nhí “gây mất đoàn kết dân tộc” gióng thêm một hồi chuông về sự xuống cấp văn hóa trong xã hội cũng như ở rất nhiều người. Thực ra, những cảnh báo, lo ngại tình trạng lao dốc không phanh của văn hóa đã có từ lâu nhưng chả hiểu sao diễn biến lại vẫn rất xấu.
Điều dễ nhận thấy, trong khi nền kinh tế nước nhà dù gặp khá nhiều trở ngại, bất ổn nhưng đã có những bước đi vững chắc. Đời sống vật chất được nâng lên, bộ mặt đất nước được cải thiện rõ rệt. Lẽ ra, vật chất khởi sắc tích cực sẽ kéo theo những phát triển lành mạnh, giàu có về văn hóa tinh thần, đồng thời góp phần xóa bỏ, triệt tiêu những xấu xí, tệ hại, phản văn hóa. Đúng chuẩn là phải vậy, nhưng thực tế lại như bài toán ngược. Hiện có quá nhiều dị thường văn hóa khiến bức tranh đời sống tinh thần nham nhở, u ám.
Dư luận bảo rằng phông văn hóa đang có vấn đề. Suốt bao thế kỷ, gần đây nhất là trong những năm chiến tranh, tổ tiên ông bà ta đã xây dựng, duy trì được nền tảng văn hóa vững chắc cho con cháu. Sống có chuẩn mực, đạo đức, cao đẹp; tránh xa cái dung tục, tầm thường, cái xấu cái ác. Trong nhà tôn trọng nền nếp, gia phong; ngoài xã hội đề cao những quy chuẩn rõ ràng. Ai cũng tự giác thực hiện, lỡ vi phạm thì đều ăn năn, thành tâm sửa chữa. Nếp sống văn hóa thấm vào mọi ngõ ngách, từng nơi công quyền, trường học, bệnh viện… chất văn hóa càng cao càng đậm. Ấy vậy mà, khi phải đối mặt với đạn bom, nghèo đói thì giữ được những điều tốt đẹp, còn mới vận động đổi thay đời sống vật chất khá hơn một chút thì lại lả tả rơi rụng, thủng hết lỗ này lỗ khác.
Rất nhiều vụ con cái bạo hành cha mẹ, công dân ngang nhiên vi phạm pháp luật, coi thường nếp sống cộng đồng, quan chức mua danh bán tước, lớp trẻ thiếu chuẩn mực cư xử, giao tiếp… lại xảy ra ở chính những nơi, những người được coi là có văn hóa nhất.
Suốt thời gian dài, báo chí rộ lên hết đợt này đợt khác chuyện người ta trùng tu - phá đình phá chùa một cách ngu dốt; xâm hại di tích văn hóa (cả những nơi siêu hạng như Hoàng thành Thăng Long, làng cổ Đường Lâm); đưa bừa bãi đồ cung tiến vào nơi thờ tự thiêng liêng, buông mặc sư tử đá Trung Quốc dữ tợn ngự trị khắp nơi; văn hóa ứng xử bị thô tục hóa, nếp sống văn hóa mà các thế hệ ông cha từng gìn giữ, lưu truyền suốt bao năm bị coi rẻ, xem thường; ngôn ngữ trở nên lai căng, thô tục; sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để xây dựng cốt cách văn hóa cho thế hệ trẻ hết sức lỏng lẻo… Tất cả khiến cho bộ mặt văn hóa mà chúng ta từng tự hào, hãnh diện đang trở nên rất xấu, đập vào cả mắt người trong nước lẫn người nước ngoài.
Hãy cứu lấy bản sắc tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc, nếu chưa làm cho nó phong phú hơn, đẹp đẽ hơn thì ít nhất cũng được như thời cha mẹ, ông bà ngày xưa.
Nguyễn Thông
Bình luận (0)