Phóng viên bị bắn chết, người Palestine sôi sục biểu tình ở Jerusalem

12/05/2022 13:31 GMT+7

Người biểu tình Palestine đã đụng độ với cảnh sát Israel ở Jerusalem hôm 11.5 sau khi một phóng viên của hãng tin Al Jazeera bị bắn chết trong một cuộc đột kích của Israel ở Bờ Tây.

Một video cho thấy thời điểm nữ phóng viên 51 tuổi Shireen Abu Akleh, người Mỹ gốc Palestine, bị giết hại tại thành phố Jenin.

Nhà Trắng đã lên án gay gắt vụ việc và kêu gọi mở điều tra về vụ việc đang gây phẫn nộ cho người Palestine. Nhiều người đã xuống đường ở Jerusalem, vẫy cờ Palestine để bày tỏ sự tức giận và đau lòng.

"Cô ấy là một công dân Palestine, chúng tôi không muốn nói rằng cô ấy là một nhà báo, cô ấy là một con người đã đã bị giết một cách tàn nhẫn, cô ấy bị giết trước mọi ống kính máy quay và chúng tôi chứng kiến điều đó. Chúng tôi ở đây để bày tỏ nỗi buồn và sự tức giận một cách ôn hòa và chính đáng", một người biểu tình chia sẻ.

Bà Shireen Abu Akleh là nhà báo kỳ cựu đã đưa tin về chiến dịch bắt giữ mới nhất của quân đội Israel trong bối cảnh đã xảy ra một số vụ tấn công gây chết người ở Israel mà hung thủ được cho là người Ả Rập.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và hãng tin Al Jazeera đã quy trách nhiệm cho các lực lượng Israel về cái chết của nữ phóng viên, gọi đây là một vụ giết người máu lạnh trắng trợn.

Ngược lại, Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho biết ông Abbas đang đưa ra những cáo buộc vô căn cứ trước khi Israel tiến hành một "cuộc điều tra kỹ lưỡng".

Ông Bennett cho rằng có vẻ như những người Palestine "xả súng bừa bãi" phải chịu trách nhiệm.

Một phóng viên khác của Al Jazeera là Ali al-Samudi, cũng bị bắn nhưng may mắn sống sót. Ông nói rằng mình và bà Abu Akleh đã đảm bảo binh sĩ Israel biết họ là nhà báo.

Ông Ali al-Samudi kể lại: "Chúng tôi rõ ràng đã đi bộ ngay trước đội tuần tra của quân đội Israel để họ có thể nhìn thấy chúng tôi. Họ đã nhìn thấy chúng tôi sau khi chúng tôi đi đến một con đường, ở đó không có ai mang vũ khí, không có dân thường và cũng không có sự cố nào. Chúng tôi sốc vì bị bắn. Tôi may mắn vì tôi đã quay lưng lại khi viên đạn đầu tiên bay tới nên chỉ bị thương ở lưng, họ muốn giết tôi".

Giới báo chí ở các nước Ả Rập cũng tập hợp lại hôm 11.5 để phản đối cái chết của bà Aklehm, nhiều người mang theo di ảnh của bà và thắp nến để vinh danh nữ phóng viên này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.