|
Cụ thể, những phóng viên nói trên, phần lớn là người nước ngoài, tiết lộ với tờ South China Morning Post (SCMP), trước khi cuộc họp báo bắt đầu, giới chức Trung Quốc đã dằn mặt họ rằng vẫn “còn quá sớm” để nêu câu hỏi về cuộc điều tra ông Chu và những ai “không nghe lời” sẽ bị liệt vào “danh sách đen”, sẽ không bao giờ có cơ hội đưa ra câu hỏi.
Trong cuộc họp báo, Thủ tướng Lý không đề cập trường hợp của ông Chu, nhưng có trả lời những câu hỏi liên quan đến quan chức tham nhũng.
Ông nhấn nhấn mạnh: “Tổng bí thư Tập Cận Bình kiên định trong cuộc chiến chống tham nhũng. Đối với những hành vi và quan chức tham nhũng, chúng tôi sẽ không dung thứ. Bất kể là ai, dù ở vị trí cao cỡ nào, nếu vi phạm kỷ luật đảng và luật pháp, người đó sẽ bị xử lý nghiêm khắc và bị trừng phạt theo pháp luật”.
Hồi đầu tháng này, phát ngôn viên Chính hiệp Trung Quốc Lã Tân Hoa cũng đã có câu trả lời như trên khi được hỏi liệu có phải cuộc điều tra ông Chu đang được tiến hành.
SCMP nhận định đó là dấu hiệu mạnh nhất cho thấy Bắc Kinh sẽ sớm công bố cuộc điều tra ông Chu, có thể không lâu sau khi cuộc họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc kết thúc vào hôm 13.3.
Cuộc điều tra được cho là tập trung vào giai đoạn ông Chu lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (1996-1998) và làm Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên (1999-2002).
Nếu nhận định trên là chính xác, cuộc điều tra ông Chu sẽ đánh dấu sự kết thúc của luật bất thành văn: ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc không thể chạm tới, theo SCMP.
Ông Chu, 70 tuổi, đã leo lên các cấp bậc của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong hơn 30 năm làm việc ở ngành dầu khí nước này trước khi làm Bí thư tỉnh Tứ Xuyên .
Ông Chu đạt đến đỉnh cao quyền lực khi trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Chính pháp Trung ương (2002-2007). Khi đó, ông Chu được xem là trùm an ninh ở Trung Quốc.
Quyền lực của ông bắt đầu sụp đổ cách đây hơn một năm, khi người thân và những thân tín của ông bị bắt về những vụ làm ăn phi pháp hoặc tham nhũng. Trong đó, có con trai ông là Chu Bân và nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc Tưởng Khiết Mẫn.
Theo SCMP, Đảng Cộng sản Trung Quốc thường dùng cuộc họp báo thường niên của thủ tướng để thể hiện sự không hài của họ đối với quan chức tham nhũng cấp cao. Vào ngày 14.3.2012, Thủ tướng Trung Quốc khi đó là ông Ôn Gia Bảo gián tiếp chỉ trích Bí thư thành ủy Trùng Khánh lúc đó là ông Bạc Hy Lai về cách xử lý vụ cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân chạy vào Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô hồi đầu năm 2012 và những chính sách của ông ở Trùng Khánh. Ngay ngày hôm sau, ông Bạc bị cách chức Bí thư Trùng Khánh và đến tháng 9.2013 bị tuyên án chung thân về tội tham nhũng, lạm dụng quyền lực và biển thủ.
Văn Khoa
>> Hé lộ dinh cơ gia đình Chu Vĩnh Khang
>> Rộ tin em trai ông Chu Vĩnh Khang bị bắt
>> Nhà ông Chu Vĩnh Khang 'bị giám sát
>> Thêm một thuộc cấp thân tín của Chu Vĩnh Khang bị điều tra tham nhũng
>> Trung Quốc điều tra thuộc cấp thân tín của Chu Vĩnh Khang
Bình luận (0)