Tôi là phóng viên thường trú, phụ trách địa bàn một tỉnh ở miền Trung lắm mưa nhiều bão như Quảng Trị đã hơn 10 năm qua, nên ít nhiều tự cho là mình cũng tích lũy được kinh nghiệm tác nghiệp trong bão, lũ. Trước, trong và sau bão lũ, phóng viên cần phải đi đâu, làm gì, đi với ai để vừa an toàn vừa đảm bảo tin bài…
Nhưng với thảm họa thiên tai kiểu như sạt lở núi, thì “kinh nghiệm” bấy lâu nay của tôi dường như chỉ… bằng 0. Sự cố sạt lở núi trong năm 2020, tôi suýt nữa đã là nạn nhân.
Cuộc điện thoại lúc rạng sáng
2 giờ sáng 18.10.2020, chuông điện thoại reo khiến tôi linh tính về một sự chẳng lành. Quả vậy, đó là thông tin ban đầu chưa được xác thực nhưng khiến tôi lạnh sống lưng: 22 người lính Đoàn 337 bị vùi trong đất đá.
Khoảng 5 giờ 20 phút ngày 18.10.2020, từ những thông tin ban đầu, bản tin đầu tiên đã được xuất bản trên Thanh Niên điện tử, đó có lẽ cũng là bản tin sớm nhất của truyền thông trong nước đăng tải về vụ việc.
|
Đúng 6 giờ sáng, tôi leo lên xe của Sở GTVT tỉnh Quảng Trị trực chỉ xã Hướng Phùng (H.Hướng Hóa), nơi Đoàn 337 đặt trụ sở. Khi vào đến đường Hồ Chí Minh nhánh tây, đã thấy rất nhiều điểm sạt lở.
Cách hiện trường chừng 3 km, tất cả xe cộ phải dừng lại vì một đống đất đá khổng lồ từ trên núi đổ xuống, chắn ngang đường... Lúc này, tôi bắt đầu chuyển những hình ảnh, clip và một số nội dung về tòa soạn.
Tầm 8 giờ sáng, tôi quyết định không ngồi chờ nữa mà vượt lên trước. Đoàn chúng tôi gồm bộ đội công binh, bộ đội phụ trách việc khâm liệm và một số nhà báo. Khi dò dẫm qua hiện trường vụ sạt lở trước đó, chúng tôi đi thành hàng dài, men theo mép đường và giẫm lên các cành cây để khỏi bị lún xuống bùn.
|
Bất ngờ tôi nghe thấy tiếng hét của những người bên ngoài: “Chạy đi! Chạy đi!”. Cùng lúc này, ở trên đầu, tôi nghe tiếng nổ ầm ầm. Mọi người chạy thục mạng, có người thậm chí đã giẫm lên tôi... Tôi cũng vội bỏ chạy, khi ngoảnh lại mới thấy đất đá, cây cối đổ ầm ầm xuống chỗ mình vừa rời đi, lao ào ào xuống vực sâu.
Sự cố gần như “chẻ đôi” đoàn của chúng tôi, một nửa quay ngược lại, nửa khác dạt về phía trước. Đó là cú sạt lở đất lần đầu tiên tôi chứng kiến, nhận ra thần chết đã cách mình chỉ tầm... 10 m. Tất cả chỉ diễn ra chừng 30 giây.
|
Rất hoảng loạn, tôi run rẩy nhắn tin về cho tòa soạn rằng tôi gặp nạn. Sau 1 phút im lặng, điện thoại tôi đổ chuông liên tục, tất cả các lời khuyên thậm chí là “mệnh lệnh” yêu cầu: “Lùi lại, không được tiếp tục nữa...”. Tai tôi ù đi và thực tế thì quả thật lúc này tôi không thể đi nữa. Phải nhiều phút sau, tôi mới trấn tĩnh được. Lúc đó, nhìn lại mới thấy mình mẩy, ba lô, máy ảnh… bê bết bùn đất, chân tay rách xước tóe máu. Các đồng nghiệp tôi cũng vậy, các chiến sĩ bộ đội đi cùng nhóm cũng không khá hơn.
Ám ảnh
Tôi được lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Quảng Trị điều xe chở ra TT.Khe Sanh cách hiện trường hơn 20 km để nghỉ ngơi. Đến chiều cùng ngày, khi nhóm PV Thanh Niên khác (Mai Thanh Hải, Hoàng Sơn) tăng cường lên hiện trường thì tôi về nhà.
Sau lần đầu đối diện với cái chết, tôi về đến nhà, mở cửa, ôm vợ con và khóc. Đêm hôm đó, nỗi sợ hãi cứ ám ảnh lấy tôi. 30 giây kinh hoàng đó cứ tua tới tua lui trong đầu, tiếng hét “Chạy đi!” và những bước chân rầm rập, tiếng nổ ầm ầm… cứ khiến mồ hôi toát khắp người.
Đêm ấy, tôi từng lo nghĩ rằng, ngày mai nhất quyết không quay lại hiện trường ở Đoàn 337... Nhưng rồi, khi chỉ vừa chợp mắt, 4 giờ 30 phút sáng hôm sau đã có cuộc điện thoại của một lái xe đường dài báo tin tôi phải ra bến xe Đông Hà nhận hàng cứu trợ của Báo Thanh Niên. Sau tất cả, khi đã có một đêm trấn tĩnh, 7 giờ sáng hôm sau tôi đã trở lại hiện trường sự cố ở Đoàn 337, sát cánh cùng các đồng nghiệp.
|
Một đàn anh trong nghề từng nói với tôi rằng, đối với nghề báo cần có những lớp học chống sang chấn tâm lý. Bởi những người làm báo thường phải chứng kiến những điều khủng khiếp, những thứ bất công, những cái chết, những thảm họa... Nó sẽ ảnh hưởng nhất định đến nhà báo và khiến họ có tâm lý khá rắc rối. Nhưng với tôi, không ngờ mình đã vượt qua cú “sốc” hút chết đó một cách… nhanh đến vậy: Chỉ sau 1 đêm đã quay trở lại với công việc. Tôi nhận ra rằng, nếu người ta bận bịu thì không có thời gian để nghĩ lại những ký ức khủng khiếp, khi những công việc mới cứ dồn dập đè lên ký ức cũ, thì tất cả đi qua thật dễ dàng...
Trong buổi trà dư tửu hậu, thượng tá Đỗ Duy Hải (Trưởng công an H.Gio Linh, Quảng Trị) kể câu chuyện mà tôi thấy mình trong đó. Trong đợt lũ lịch sử vừa qua, nhóm công an H.Gio Linh khi đi cứu dân đã bị lật ca nô. Vị thượng tá công an đã lập tức rút toàn bộ những người trên chiếc ca nô lật đó về, thay lực lượng mới để tiếp tục công việc. “Anh em lúc đó hoảng, mất hồn. Nếu ép họ làm tiếp họ cũng vừa làm vừa sợ, hiệu quả không cao mà có khi lại xảy ra thêm sự cố”, thượng tá Hải nhận định.
Trong câu chuyện cụ thể của mình, tôi đã... cho mình một ít thời gian để lùi lại trước khi bước tiếp. Và tôi thấy mình đã đúng. Chỉ đạo “Lùi lại, không được tiếp tục nữa” của anh em văn phòng, của tòa soạn cũng đã đúng. Bởi nói cho cùng thì không tin tức nào quý giá bằng mạng sống, không tòa soạn nào muốn đánh đổi tin bài hay và mất đi phóng viên của mình. Không bạn đọc nào muốn người đưa tin cho mình gặp phải một kết cục buồn…
Bình luận (0)