Cả ngày ở Bangkok (Thái Lan) loăng quăng ngoài đường tìm tư liệu, nên tôi biết thông tin khủng bố tại Jakarta (Indonesia) khá trễ, khoảng 18 giờ 30 chiều 14.1. Thế là tôi tức tốc lên đường sang Jakarta.
Báo đài tường thuật trực tiếp tại hiện trường sáng 15.1 - Ảnh: Nguyễn Tập |
Lướt nhanh trên mạng tìm chuyến bay gần nhất: 20 giờ 55. Hơn hai tiếng nữa máy bay cất cánh nên không thể đặt vé qua mạng. Gọi điện thoại lên sân bay thì được trả lời phòng vé sẽ đóng hai tiếng trước giờ bay. Từ trung tâm Bangkok ra sân bay 30 km, lại ngay giờ cao điểm nên sớm nhất cũng mất gần 1 tiếng. Chỉ kịp tống đại vài bộ đồ, máy ảnh, laptop, tôi phóng ra sân bay hú họa.
Cô nhân viên phòng vé ngạc nhiên khi tôi mua vé máy bay đi Jakarta: “Anh có biết vụ khủng bố mới xảy ra trưa nay tại đó không mà đi lúc này?”. Tôi cười, gật đầu trả lời: “Biết chứ, tôi là phóng viên”. May mắn, tôi lấy được chiếc vé giờ chót khi loa sân bay cất tiếng mời những hành khách cuối cùng làm thủ tục check-in.
Chuyến QZ 253 đi Jakarta (Indonesia) từ Bangkok vắng đến bất ngờ, gần như mỗi người có thể nằm cả băng ba ghế. Anh tiếp viên giải thích ngắn gọn: “Khá nhiều khách bỏ vé. Có lẽ họ sợ khủng bố”.
Chuyến bay từ Bangkok sang Jakarta tối 14.1 vắng vẻ do khá nhiều khách trả vé, có thể nằm ngủ cả băng 3 ghế - Ảnh: Nguyễn Tập
|
Cảnh sát bảo vệ hiện trường, sáng 15.1 tại một trong các địa điểm xảy ra vụ nổ và xả súng hôm 14.1 - Ảnh: Nguyễn Tập |
5 giờ 30 sáng 15.1 tại Jakarta, tôi bắt taxi ra hiện trường, phần vì nôn nóng muốn biết chuyện gì đã và đang xảy ra, phần nữa là để tránh kẹt xe (vốn là “đặc sản” của Jakarta).
Ofin Rizal, tài xế taxi cho biết: “Ở Indonesia có rất nhiều chủng tộc, tôn giáo, phe phái... Ai cũng muốn làm số 1 nên thường xảy ra chuyện. Ở Indonesia dù khủng bố không phải là chuyện lạ nhưng vụ đấu súng, nổ bom xảy ra hôm qua tôi cũng sợ quá. Tình hình bất ổn như vậy làm sao có khách để tôi chạy xe kiếm tiền chứ”.
Tưởng mình đến sớm nhất, ai ngờ báo đài đã tụ tập đông đen tại giao lộ Mh. Thamrin, hiện trường vụ nổ súng. Điểm kiểm soát giao thông của cảnh sát, nơi xảy ra vụ việc đã trở thành khu tưởng niệm nạn nhân với các vòng hoa xếp kín một góc đường.
Quán cà phê Starbucks nơi góc đường Wahd Hasym, dù đã được dọn dẹp kỹ càng và bị quây kín bằng hàng rào tôn, nhưng vẫn còn thấy kính vỡ vương vãi khắp nơi, cửa, trần sập ngã, xiêu vẹo...
Khẩn trương dọn dẹp hiện trường - Ảnh: Nguyễn Tập |
Trả lời báo giới tại hiện trường sáng 15.1, cảnh sát trưởng thành phố Jakarta, ông Tito Karnavian cho biết Indonesia là một trong những nước có đông tín đồ Hồi giáo nhất thế giới nên cũng dễ hiểu khi đây là điểm nóng của khủng bố. Tuy nhiên từ sau đợt đánh bom tại Bali năm 2002 làm chết 200 người và hàng trăm người bị thương, lực lượng chống khủng bố Indonesia đã mạnh hơn rất nhiều và điều đó thể hiện qua con số thương vong lần này.
“Đây chỉ là một mắt xích trong mạng lưới, nhưng nếu chúng ta xử lý triệt để, nó sẽ đánh động, làm các mắt xích khác phải e dè hơn”, ông nói.
Chốt cảnh sát nơi xảy ra vụ đánh bom sáng 14.1 đã trở thành điểm tưởng niệm nạn nhân với nhiều vòng hoa - Ảnh: Nguyễn Tập
|
Quán cà phê Starbucks dù đã được quây kín nhưng có thể thấy kính vỡ vương vãi, cửa, trần nhà đổ sập - Ảnh: Nguyễn Tập
|
Quán Starbucks được quây kín bằng hàng rào tôn - Ảnh: Nguyễn Tập
|
Người dân tụ tập đứng xem cảnh điều tra hiện trường sáng 15.1 - Ảnh: Nguyễn Tập |
Cảnh sát trưởng thành phố Jakarta, ông Tito Karnavian trả lời báo giới tại hiện trường sáng 15.1 - Ảnh: Nguyễn Tập
|
Bình luận (0)