Phóng viên thể thao 'bật mí' phía sau ánh hào quang

20/06/2015 11:50 GMT+7

(TNO) Tham gia đưa tin về những hoạt động của các vận động viên (VĐV) trẻ, các hoạt động thể thao lớn, các phóng viên chuyên ngành đau đáu một chân lý: “Giọt nước mắt hôm qua sẽ là nụ cười của ngày mai”.

(TNO) Tham gia đưa tin về những hoạt động của các vận động viên (VĐV) trẻ, các hoạt động thể thao lớn, các phóng viên chuyên ngành đau đáu một chân lý: “Giọt nước mắt hôm qua sẽ là nụ cười của ngày mai”.

Phóng viên Độc Lập tác nghiệp tại SEA Games 28
Phóng viên Quang Huy: Nước mắt đàn ông
Phóng viên Quang Huy
Không ít lần chứng kiến những giọt nước mắt nghẹn ngào của các VĐV trẻ Việt Nam, nhưng tôi vẫn cảm thấy nghèn nghẹn khi thấy đội trưởng U.23 Việt Nam Quế Ngọc Hải khóc thét lên giữa sân bóng Singapore, hay Mạc Hồng Quân, Huy Toàn, Phi Sơn… vốn bản lĩnh là vậy, cũng khóc hu hu như trẻ nhỏ.
Nhìn “nước mắt đàn ông” của các cầu thủ vốn chai sạn với cảm xúc, chúng tôi càng hiểu thêm cảm giác của họ bởi đã không làm được điều mà người hâm mộ cả nước mong đợi.
Giọt nước mắt của những chàng trai bản lĩnh đã chuyển tải rất nhiều thông điệp. Trước hết đó là sự tiếc nuối khi thất bại trước Myanmar; là sự nghẹn ngào vì không làm vui lòng người hâm mộ; và cả sự mặc cảm, tủi hổ vì suốt bao năm không thể giúp bóng đá Việt Nam đoạt vàng SEA Games…
Thông điệp gửi đi từ những giọt nước mắt, giúp chúng tôi hiểu thêm về cầu thủ bóng đá Việt Nam, vốn luôn khát khao, nỗ lực cống hiến để đem vinh quang về cho Tổ quốc.
Trong bất cứ lĩnh vực nào, chỉ cần nỗ lực và quyết tâm đi đến cùng thì tất cả mọi cánh cửa đều sẽ được mở ra.
Từ giọt nước mắt của Quế Ngọc Hải, Mạc Hồng Quân, chúng tôi đã truyền tải những bài viết với chủ đề: Tin vào bóng đá Việt Nam trong tương lai, hay Quế Ngọc Hải trao nhiệm vụ săn vàng cho lứa Công Phượng…
Chúng tôi hiểu và giúp họ truyền đi thông điệp: Giọt nước mắt hôm qua sẽ là nụ cười của ngày mai!
Phóng viên Hoàng Quỳnh: Dấu ấn người thầy sau thành công người trẻ
Phóng viên Hoàng Quỳnh
Với tôi, đằng sau thành công của nữ hoàng bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên, nữ hoàng điền kinh Nguyễn Thị Huyền hay rất nhiều vận động viên trẻ khác của thể thao Việt Nam đều có công sức thầm lặng nhưng rất trân quý của những người thầy-huấn luyện viên (HLV)…
“Nếu không có thầy Đặng Anh Tuấn sẽ không có Ánh Viên hôm nay”, tay bơi 19 tuổi Nguyễn Thị Ánh Viên nhắc đi nhắc lại điều này mỗi khi được hỏi về chìa khóa thành công. Những lúc đó cô luôn nhìn về phía thầy mình-HLV Đặng Anh Tuấn với ngỏ ý cảm ơn lẫn san sẻ niềm hạnh phúc với thầy.
Bằng con mắt tinh tường của một HLV giỏi chuyên môn, ông Đặng Anh Tuấn đưa Ánh Viên từ một cô bé bơi “lăng quăng” dưới hồ ở lần đầu gặp mặt lên tuyển năng khiếu rồi vào đội dự tuyển quốc gia, đề xuất cho đi tập huấn chuyên biệt ở Mỹ. 4 năm gắn bó với Ánh Viên, ông Đặng Anh Tuấn thừa nhận mình không chỉ là HLV mà còn như người cha, người mẹ và là người bạn trò chuyện, dạy dỗ, chăm lo cho nữ hoàng bơi lội VN “tất tần tật” từ chuyên môn đến cuộc sống.
Rồi khi Ánh Viên được “tung hô” sau chuỗi thành tích quá đỗi tuyệt vời tại SEA Games 28, người ta lại thấy HLV này “dằn” học trò lại, đề phòng cô “ngủ quên trên chiến thắng” nhưng cũng biết cách lên dây cót tinh thần cho Ánh Viên.
“Ánh Viên phải ý thức rằng mỗi thành tích mà mình vừa đạt được hôm nay đó là quá khứ, là con số 0 tròn trĩnh ở ngày mai. Thầy nói với con điều này để muốn rằng con phải nỗ lực mỗi ngày, không được lơ là, hài lòng với bản thân. Có như thế con mới vươn đến những thành tích tốt hơn”, HLV Đặng Anh Tuấn chia sẻ.
HLV điền kinh Vũ Ngọc Lợi lại mang đến cho tôi những giây phút bần thần cảm động về tình thương, sự sẻ chia với cô trò Nguyễn Thị Huyền, người đoạt đến 3 HCV đồng thời đoạt vé tham dự Olympic Brazil ở nội dung 400m, 400m rào. Khi cô học trò nhỏ nhắn qua mặt các đối thủ lao về đích cũng là lúc HLV này bật khóc ngon lành. HLV này tiết lộ ông không chỉ khóc vì hạnh phúc với cô học trò mà còn khóc là nỗi uất ức bởi những đóng góp của Nguyễn Thị Huyền trong 8 năm qua nhưng vẫn chưa được vào biên chế ngành thể thao Nam Định.
“Tôi xin nhường suất biên chế của mình cho Nguyễn Thị Huyền”, tôi như lặng đi khi vị HLV Vũ Ngọc Lợi nói ra điều này và mong sao thể thao Việt Nam có thêm nhiều người thầy như HLV như Đặng Anh Tuấn, Vũ Ngọc Lợi.
Phóng viên Tân Lam: Ánh Viên - Người truyền lửa cho thế hệ trẻ Việt Nam
Phóng viên Tân Lam
Từ trước đến nay, môn bóng đá luôn là độc tôn trong làng thể thao Việt Nam. Nhưng nay, một VĐV bơi lội đã tạo ra cơn sốt không kém gì môn thể thao vua.
Trong những ngày SEA Games 28 diễn ra trên đất Singapore, Nguyễn Thị Ánh Viên đã khiến cả làng thể thao Việt Nam phải tự hào khi liên tục giành HCV và phá kỷ lục tại đại hội thể thao Đông Nam Á.
Tổng cộng, kình ngư 18 tuổi đã giành 8 HCV và phá 8 kỷ lục, một thành tích vô tiền khoáng hậu trong làng thể thao Việt Nam. Với những gì đã làm được, Ánh Viên có thể tự hào, hãnh diện, thậm chí tự cao một chút.
Thế nhưng, cô gái quê ở Cần Thơ vẫn giữ được sự trong sáng, hồn nhiên và khiêm tốn vốn có của mình. Khi được phóng viên hỏi rằng có hài lòng về những gì đã đạt được hay không, Ánh Viên đã có một câu trả lời khiến nhiều người phải suy nghĩ: “Nếu tôi hài lòng với những gì đã đạt được thì tôi là người thất bại ngay trong ngày hôm nay”.
Trên các diễn đàn mạng xã hội, rất nhiều người bày tỏ sự khâm phục đối với Ánh Viên vì câu nói đó và nó chắc chắn sẽ trở thành châm ngôn sống của nhiều bạn trẻ Việt Nam.
Phóng viên Độc Lập: Cái sướng trong nghề báo là tham gia những sự kiện lớn
Phóng viên Độc Lập
SEA Games 28 là lần tham gia tác nghiệp sự kiện thể thao khu vực đầu tiên của tôi. Anh em đồng nghiệp cả gần 1 tháng theo cùng sự kiện này nhưng tôi chỉ sống cùng SEA Games 28 trên đất Singapore đúng một tuần.
Đối với một phóng viên ảnh như tôi, bỡ ngỡ mới bước vào nghề chưa được bao lâu, trên vai chỉ mang mỗi bầu nhiệt huyết muốn cống hiến, muốn có những tấm hình có khoảnh khắc đẹp. Biết chắc trong đầu có những môn thể thao mình chưa bao giờ bấm máy, nhưng, vẫn một niềm tin mình sẽ làm được và niềm tin đó cộng với nhiệt huyết đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ tại Singapore.
Cũng từng tham gia nhiều sự kiện thể thao nhưng cường độ làm việc tại SEA Games đúng là khắc nghiệt, các môn thi diễn ra liên tục, có những lúc anh em phóng viên không kịp ăn để di chuyển đến môn kế tiếp... Chứng kiến cảnh đó tôi đã thầm phục sức chịu đựng của đồng nghiệp.
Bản thân tôi cũng vậy, ngay khi bước xuống sân bay là lao vào làm việc, đến khi sắp lã đi vì đói mới nhớ, từ Việt Nam sang Singapore mà chưa ăn gì.
Tuy nhiên, phần thưởng lớn đối với tôi là những tấm ảnh, những thông tin của tôi, đồng nghiệp từ "chiến trường" gửi về được cập nhật liên tục.
Cái sướng trong nghề báo là có mặt tham gia những sự kiện lớn... Tới thời điểm này, tôi nghĩ mình đã may mắn có được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.