Theo PV Giang Văn Hải, anh và đồng nghiệp đến ghi một số hình ảnh tại khu chứng tích này và phỏng vấn một số nhân chứng của vụ thảm sát năm 1968 tại đây. Trước khi ghi hình, hai PV đã xin phép nhân viên của khu chứng tích.
Khi hai nhà báo đã ghi hình và phỏng vấn xong thì ông Phạm Thành Công, giám đốc Khu chứng tích Sơn Mỹ cũng vừa về (trước đó nhân viên tại đây bảo ông đi họp). PV Giang Văn Hải đã đến chào ông Công và nói lý do ghi hình tại đây. Ông Công vui vẻ chấp thuận.
Thế nhưng, chừng 5 phút sau, ông Công đột ngột quay lại và quát mắng ầm ĩ hai PV nói trên, đồng thời tịch thu máy quay và đòi xóa toàn bộ dữ liệu trong băng ghi hình. Hai PV bị ông Công lập biên bản và thu giữ máy. Đến 17 giờ chiều ngày 1.9, chiếc máy quay phim vẫn chưa được “giải phóng”, hai PV vẫn “mắc kẹt” tại Sơn Mỹ!
Lúc sự việc đang diễn ra, hai PV nói trên có nhờ người quen gọi điện thoại cho ông Nguyễn Đăng Vũ, giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh để can thiệp. Tuy nhiên, ông Công vẫn giữ vững quan điểm của mình.
Khi PV Thanh Niên Online liên lạc với ông Công để tìm hiểu vấn đề thì cũng không được ông giải thích lý do vì sao tịch thu máy của hai đồng nghiệp và vẫn bảo lưu quan điểm của mình.
Khu chứng tích Sơn Mỹ là nơi lưu giữ nhiều hình ảnh, hiện vật liên quan đến vụ thảm sát Sơn Mỹ ngày 16.3.1968. Nơi đây, mỗi năm đón trên hai vạn lượt khách đến tham quan, trong đó có nhiều nhà báo trong nước và quốc tế đến ghi hình, phỏng vấn. Nơi đây không hề có biển cấm quay phim, chụp ảnh.
Trần Đăng
Bình luận (0)