Phớt lờ quy định thu học phí

21/06/2013 03:36 GMT+7

Bộ GD-ĐT quy định các trường thu học phí định kỳ hằng tháng nhưng đến nay nhiều trường ĐH vẫn thông báo thu học phí một lần cho cả học kỳ, thậm chí cả năm.

Bộ GD-ĐT quy định các trường thu học phí định kỳ hằng tháng nhưng đến nay nhiều trường ĐH vẫn thông báo thu học phí một lần cho cả học kỳ, thậm chí cả năm.

Coi như không biết

 

Điều này là có thể làm được, chỉ có điều trường phải tốn công sức hơn khi phải phân hóa theo từng sinh viên một

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng
Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM

Điều 13 Nghị định 49 ban hành năm 2010 về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân quy định rõ học phí được thu định kỳ hằng tháng. Nếu học sinh, sinh viên tự nguyện nhà trường mới được thu một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học. Thế nhưng, trên thực tế hầu hết các trường vẫn thông báo bắt buộc thu học phí một lần cho toàn học kỳ, coi như không hay biết đến quy định trên.

Trong văn bản thông báo việc thu phí học kỳ 2 năm học 2012 - 2013 ra ngày 15.5 của Trường ĐH Thủy lợi, sinh viên phải đóng học phí theo học kỳ, nếu không nộp đủ học phí theo quy định sinh viên sẽ bị khóa tài khoản đăng ký học và không được dự thi các môn học ở giai đoạn 2 học kỳ này. Trường ĐH Sài Gòn cũng thông báo lịch thu học phí học kỳ 3 khóa 11 và 12 bậc CĐ, ĐH chính quy năm học 2012 - 2013 từ ngày 27.5 đến 1.6. Nếu sinh viên chưa đóng học phí sẽ bị hủy các môn học đã đăng ký.

Tương tự, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cũng thông báo thu học phí các ngành khoa học vật liệu, sinh học và công nghệ sinh học thời gian từ ngày 13 đến 17.5. Mức học phí sinh viên phải đóng dựa trên tổng số tín chỉ thực tế của các học phần sinh viên đã đăng ký học trong học kỳ (mỗi tín chỉ có học phí 105.000 đồng). Trường này cũng quy định, sinh viên chưa hoàn tất học phí sẽ bị xóa tên trong danh sách thi học kỳ và bị xử lý theo quy chế. Không chỉ thu học phí một lần theo học kỳ, có những trường còn buộc sinh viên phải đóng một lần cho toàn năm học, như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

Qua phản ảnh của dư luận, tháng 5 vừa qua Bộ đã có văn bản gửi các cơ sở giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp công lập về việc giãn thời gian điều chỉnh học phí năm học 2013 - 2014. Trong đó, nhấn mạnh các trường ĐH không được ép buộc học sinh, sinh viên đóng học phí một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học.

Trường làm được, trường bảo không

Thạc sĩ Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho biết: “Trường thực hiện việc thu học phí qua hệ thống ngân hàng dựa trên số tín chỉ sinh viên đăng ký thực tế. Việc đăng ký môn học của sinh viên chỉ được xem là hoàn tất nếu đã đóng xong học phí, khi đó sinh viên mới có tên trong danh sách lớp học. Đây là cách thu học phí mà trường đang thực hiện và có thể sẽ áp dụng trong thời gian tới. Trường sẽ không thể thu học phí định kỳ hằng tháng vì số lượng sinh viên rất đông”. Cũng theo ông Sơn, nếu thu học phí theo tháng thì khó khăn cho trường. Trong khi đó, những trường hợp thực sự khó khăn trường vẫn tạo điều kiện cho nợ học phí.

Phớt lờ quy định thu học phí
Sinh viên đóng học phí tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thạc sĩ Lê Tấn Phát, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, nói: “Trường không thể thu học phí theo tháng vì từ năm học 2013 - 2014 sinh viên phải đóng học phí theo phần mềm tín chỉ. Sinh viên phải đóng học phí từ đầu học kỳ cho toàn bộ số tín chỉ học phần đã đăng ký. Tùy sinh viên đăng ký số tín chỉ khác nhau sẽ có mức học phí không giống nhau. Do vậy, sẽ không thể quản lý việc thu học phí theo tháng được”. Cùng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng việc thu học phí theo tháng là không thể. Ông Minh nhận định: “Bộ ban hành văn bản này nhưng không xem xét tình hình thực tế các trường, cũng không có văn bản hướng dẫn cụ thể nên dù muốn các trường cũng không biết cách triển khai thế nào”.

Khác với các quan điểm trên, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết trường này dù thu học phí theo phần mềm tín chỉ nhưng đã thực hiện thu theo tháng từ nhiều năm nay.

Chia sẻ về điều này, ông Dũng nói: “Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sinh viên trong việc đóng học phí, trường đã cho phép sinh viên đóng học phí theo năm, theo học kỳ hoặc theo tháng tùy theo nguyện vọng. Thậm chí, những trường hợp quá khó khăn sinh viên có thể làm đơn tạm hoãn đóng học phí có cam kết với nhà trường”. Ông Dũng cho biết sinh viên vẫn đăng ký tín chỉ theo phần mềm. Từ tổng học phí sinh viên phải đóng theo học kỳ, trường sẽ chia ra theo tháng tương ứng. Về tính khả thi của việc thu học phí định kỳ theo tháng, tiến sĩ Dũng khẳng định: “Điều này có thể làm được, chỉ có điều trường phải tốn công sức hơn khi phải phân hóa theo từng sinh viên một. Tuy nhiên, khi có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin mọi việc dễ dàng hơn. Các trường nếu làm được việc này thì hệ thống đào tạo mới đúng tinh thần tín chỉ”.

Ý kiến:

Nên thay đổi cách thu

“Học phí trường em vẫn thu theo học kỳ. Nếu trường thực hiện thu học phí theo tháng cũng tốt vì sẽ giúp giảm gánh nặng cho gia đình những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Hầu hết các trường đều yêu cầu sinh viên ra ngân hàng để nộp tiền, nếu mỗi tháng sinh viên đều phải thực hiện việc này sẽ rất mất công. Vì vậy nếu triển khai thu học phí theo tháng, trường cũng nên đổi sang thu tiền mặt tại trường để sinh viên dễ dàng hơn”.

H.N.T
(Sinh viên Trường ĐH Hoa Sen)

Áp dụng nhiều loại hình

“Tốt nhất là trường nên thu học phí ở nhiều loại hình, theo học kỳ, cả năm và từng tháng. Tùy vào điều kiện của từng sinh viên có thể chọn lựa cách đóng phù hợp với bản thân”.

H.T.P
(Sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.