Phớt lờ quyết định thu hồi đất 'vàng'

16/11/2021 05:58 GMT+7

Hơn 5 tháng kể từ ngày UBND TP.HCM có quyết định thu hồi, khu đất “vàng” 419 Lê Hồng Phong rộng gần 11.000 m 2 vẫn chưa được lấy lại và tiếp tục sử dụng sai mục đích, gây thất thoát tài sản nhà nước.

Doanh nghiệp không hợp tác ?

Ngày 15.11, xe tải, xe máy vẫn nhộn nhịp ra vào khu đất “vàng” 419 Lê Hồng Phong (P.2, Q.10, TP.HCM) để gửi, nhận hàng hóa đi các tỉnh. Bên cạnh đó, một cơ sở kinh doanh nước uống cũng đang sử dụng mặt bằng bên trong khu đất làm nhà kho.

Khu đất này được nhà nước cho Công ty CP giày Sài Gòn (GSG, nay đổi tên thành Công ty CP giáo dục G Sài Gòn) thuê để làm nhà máy sản xuất giày da, nhưng sau đó công ty này cho nhiều tổ chức, cá nhân thuê lại mặt bằng, nhà xưởng. Tình trạng sử dụng đất sai mục đích trên khu đất (từng bị cơ quan thanh tra xác định có sai phạm) kéo dài nhiều năm qua, bất chấp dư luận và sự vào cuộc của chính quyền.

Xe chở hàng ra vào khu đất 419 Lê Hồng Phong, P.2, Q.10, TP.HCM dù quyết định thu hồi được ban hành hơn 5 tháng

SỸ ĐÔNG

Đảm bảo thu hồi tài sản đất “vàng” cho nhà nước, ngày 28.5, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình ký Quyết định số 1968 thu hồi khu đất tại địa chỉ 419 Lê Hồng Phong do Công ty CP giáo dục G Sài Gòn thuê sử dụng. Căn cứ thu hồi theo điểm d, khoản 1, điều 65, luật Đất đai. Khu đất này được nhà nước cho thuê có thời hạn, đến ngày 31.12.2020 là hết thời hạn thuê đất và không được gia hạn.

UBND TP.HCM cũng yêu cầu Công ty CP giáo dục G Sài Gòn bàn giao khu đất cho Trung tâm phát triển quỹ đất TP.HCM và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với nhà nước, nghĩa vụ tài chính khác theo quy định pháp luật. Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý khu đất, phối hợp với UBND Q.10 báo cáo Sở TN-MT về phương án sử dụng đất trình UBND TP.HCM xem xét, quyết định giao đất xây dựng trường học theo chủ trương đã được thông qua.

Trao đổi với Thanh Niên ngày 11.11, ông Lữ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND P.2 (Q.10), cho biết đã giao quyết định thu hồi khu đất cho đại diện Công ty CP giáo dục G Sài Gòn từ đầu tháng 6.2021, nhưng đến nay công ty này vẫn chưa chịu bàn giao khu đất. Mặt khác, chính quyền địa phương đã nhiều lần mời lãnh đạo Công ty CP giáo dục G Sài Gòn lên làm việc về thủ tục bàn giao nhưng doanh nghiệp này đều vắng mặt.

Mặt bằng bên trong khu đất 419 Lê Hồng Phong được đem cho một nhà xe thuê lại làm bãi giữ xe, giao nhận hàng hóa

Có thể cưỡng chế

Thông tin về tiến độ thu hồi khu đất “vàng” 419 Lê Hồng Phong, một lãnh đạo UBND Q.10 cho biết UBND TP.HCM đã giao Trung tâm phát triển quỹ đất làm việc với Công ty CP giáo dục G Sài Gòn để thu hồi và quản lý khu đất này. Thường trực UBND Q.10 cũng rất trông chờ việc bàn giao được đẩy nhanh để chuẩn bị các bước đầu tư trường trung học cơ sở phục vụ nhu cầu dạy và học ngày càng tăng trên địa bàn. Hồi tháng 3.2020, HĐND Q.10 đã thông qua nghị quyết xây dựng danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có dự án xây dựng mới trường trung học cơ sở trên khu đất 419 Lê Hồng Phong.

Dự án xây dựng mới trường trung học cơ sở có tổng mức đầu tư hơn 316 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2023. Lãnh đạo UBND Q.10 cũng cho biết đã đăng ký vốn dự án này vào kế hoạch đầu tư công trung hạn với Sở KH-ĐT để tổng hợp, báo cáo UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM thông qua.

Đại biểu HĐND TP.HCM Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM, cho rằng không thể chấp nhận tình trạng này kéo dài. Vị đại biểu này cho rằng thời điểm tháng 6.2021, TP.HCM đang trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch thì có thể “du di”, nhưng đến nay dịch bệnh được kiểm soát thì doanh nghiệp phải tuân thủ quyết định của UBND TP.HCM. Bên cạnh đó, các đơn vị được giao thu hồi như Sở TN-MT và Trung tâm phát triển quỹ đất TP.HCM cũng có trách nhiệm đốc thúc, thực hiện quyết định theo đúng quy định pháp luật.

“Về nguyên tắc, chính quyền cần phải mạnh tay xử lý, nếu doanh nghiệp cố tình chây ì thì chính quyền phải cưỡng chế đúng theo quy định pháp luật”, ông Thắng nói và nêu trách nhiệm chính trong vấn đề này thuộc về chính quyền chứ không thể trông chờ vào sự tự giác của doanh nghiệp.

Liên quan việc phớt lờ quyết định của UBND TP.HCM về thu hồi khu đất “vàng” 419 Lê Hồng Phong, PV Thanh Niên đã liên hệ với lãnh đạo UBND TP.HCM và Sở TN-MT để tìm hiểu về những động thái tiếp theo để quyết định thu hồi đất không “nằm trên giấy” nhưng chưa được phản hồi.

Theo tài liệu, ngày 16.3.2007, UBND TP.HCM chấp thuận cho GSG tiếp tục thuê khu đất rộng hơn 10.936 m2 419 Lê Hồng Phong (nằm ngay góc đường Lê Hồng Phong - Vĩnh Viễn, được xem là một trong số ít khu đất “vàng” còn sót lại ở nội ô TP.HCM) để làm văn phòng, nhà kho và nhà xưởng đến hết ngày 31.12.2020. Quyết định nêu rõ, GSG “không được chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê lại, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất”. Thế nhưng, sau đó GSG đã vi phạm, cho nhiều cá nhân, tổ chức thuê lại mặt bằng làm bãi đậu xe, nhà kho… trong thời gian dài khiến người dân bức xúc, báo chí nhiều lần phản ánh.

Ngày 11.2.2020, UBND TP.HCM cũng đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu đất 419 Lê Hồng Phong từ chức năng đất công nghiệp sạch sang đất giáo dục.

Tuy nhiên, đến nay khu đất “vàng” vẫn còn bị “đóng băng” và phía doanh nghiệp vẫn sử dụng sai mục đích.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.