Phu gồng hàng xuống núi

19/02/2014 09:28 GMT+7

Gùi trái cây nặng hơn 100 kg nằm gọn trên đôi vai những người phu vác hàng thuê chậm rãi bước lên xuống con đường dốc đứng, ghập ghềnh từ đỉnh ngọn núi Heo (thuộc quần thể núi Bà Đen – Tây Ninh) để đưa về đồng bằng.

Gùi trái cây nặng hơn 100 kg nằm gọn trên đôi vai những người phu vác hàng thuê chậm rãi bước lên xuống con đường dốc đứng, ghập ghềnh từ đỉnh ngọn núi Heo (thuộc quần thể núi Bà Đen – Tây Ninh) để đưa về đồng bằng.

>> Cửu vạn ở chợ rau đêm
>> Cửu vạn “tóc dài” trên núi Cấm
>> Cửu vạn chợ Gò

 

Anh Lê Trần Phú Ngân
Anh Lê Trần Phú Ngân gồng mình cõng hơn 90 kg xoài xuống núi - Ảnh: Giang Phương

Giữa cái nóng hầm hập của buổi trưa, PV Thanh Niên theo chân đội quân khuân vác trái cây gồm 8 người từ ngọn núi Heo xuống núi. Con đường lên núi đá ghồ ghề, có đoạn dốc đá thẳng đứng hiện lên trong mắt. Sau khi những nải chuối, những trái xoài được hái khỏi cây, đội quân khuân vác có mặt và chất đầy vào gùi hàng. Mỗi gùi hàng nặng khoảng 90 – 100 kg lần lượt được đội khuân vác mang xuống núi theo đường bộ.

Nhìn thân hình nhỏ thó chỉ khoảng 49 kg, khó ai dám tin anh Nguyễn Thành Danh (30 tuổi) có thể nâng được gùi hàng nặng nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể mình. Giỏ xoài nặng khoảng 90 kg được cột kỹ đặt sẵn trên một tảng đá phẳng, anh Danh bắt đầu đưa lưng vào làm điểm tựa rồi gồng mình đứng dậy. Vẻ mặt anh bắt đầu căng ra, bụng thóp lại, đôi chân đứng tấn giữ yên vài giây để giữ giỏ hàng thăng bằng trên lưng đang bị sức nặng kéo oằn xuống. Mặt cúi gằm xuống con đường đá, thỉnh thoảng anh đưa mắt nhìn lên tránh va phải cây cối dọc đường. Phía sau, đoàn khuân vác cũng bắt đầu khởi động. Dưới cái nắng oi bức trên sườn núi, mồ hôi trên mặt của những người phu bốc vác rơi lã chã xuống đá. Dù cả đoàn đi đến 8 người nhưng suốt con đường chuyển hàng xuống một không khí yên lặng bao trùm… 

39 tuổi, anh Lê Trần Phú Ngân đã có gần 20 năm thâm niên với nghề leo núi. Ngọn núi Heo này anh thuộc đến từng tảng đá dưới lòng bàn chân. Theo anh Ngân, cái nghề bốc vác vốn đã lao lực nhưng so với nghề bốc vác trên núi còn nặng hơn cả chục lần. Một chuyến đưa hàng xuống núi trung bình mỗi phu vác trên lưng 90 -100 kg đi trên suốt chặng đường núi gần 1.000 mét mới có ăn. Trong đó, có đoạn họ phải lao xuống dốc núi thẳng đứng, đường đá ghồ ghề cực kỳ nguy hiểm. Chốc chốc, chúng tôi nhìn thấy một phu bốc vác bước trợt chân nhẹ khiến giỏ hàng loạng choạng.

  Ông Ba Vân
Ông Ba Vân và những người "đồng nghiệp" ngổi nghỉ chân sau một quãng đường dài - Ảnh: Giang Phương

Theo anh Ngân, thời điểm này giá được nâng lên 1.300 đồng/kg nên mỗi người cũng kiếm được hơn 100.000 đồng/chuyến. Người nào khỏe mạnh có thể đi được 2-3 chuyến hàng/ngày (mỗi chuyến lên xuống hơn 2.000 mét). Giữa lúc câu chuyện đang rôm rả, anh Trần Đình Đồng (36 tuổi) vừa đến kịp đoàn rồi đặt giỏ hàng xuống tảng đá một cách cẩn trọng. Thấy giỏ hàng chông chênh, 2 phu khác đến lấy đá nhỏ chêm bên dưới để giỏ chuối không bị đổ nhào. Nở nụ cười tươi, anh Đồng nói : “Phải cưng giỏ như cưng trứng vậy đó. Đi loạng choạng vấp ngã xoài, chuối dập hết là kể như một ngày công mất toi”. Anh Phạm Văn Dương (47 tuổi) và Hồ Nhựt Trường (46 tuổi) gần đó nói chen vào: “Ai mới làm cái nghề này mà không lao xuống núi trầy chân, rách toạc da, làm không công vài lần thì coi như chưa biết cái nghề này”. Anh Dương nói thêm: “Cái nghề này nó cực thì cực đó nhưng được cái thoải mái, khỏe thì đi mệt thì dừng lại nghỉ chẳng ai phàn nàn. Kiếm được đồng tiền thì chỗ nào mà chẳng cực”

Công việc nặng nhọc này tưởng chừng chỉ dành cho những thanh niên trai tráng mới làm nổi. Tuy nhiên, chúng tôi bắt gặp ông Ba Vân (68 tuổi) đang gùi giỏ hàng nặng khoảng hơn 30 kg chậm rãi nối đuôi đoàn khuân vác xuống núi.  Đưa bàn tay gầy guộc nổi từng đường gân tháo phăng chiếc áo sơ mi đã sờn cũ ướt đẫm mồ hôi rồi kéo nón tai bèo xuống quạt, ông cười tự tin: “Ngày nào cũng gùi vài chục ký xuống núi chẳng được bao nhiêu tiền mà được cái khỏe mạnh. Chứ tuổi già như bác đây không bệnh này cũng bệnh kia thôi”

Giang Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.