Hôm nay 25.10, nếu UBND TP Hà Nội nhất trí với các phương án điều chỉnh giờ đi làm, giờ đi học của Bộ GTVT, dự thảo này sẽ được trình Thủ tướng và áp dụng ngay lập tức. Theo đó, giờ đi làm, đi học của người Hà Nội sẽ thay đổi hoàn toàn so với thời gian biểu cũ. Cụ thể, công chức cơ quan trung ương đi làm từ 9h - 12h và 13h -18h, công chức Hà Nội từ 8h30 - 12h và 13h - 17h30, trung tâm thương mại, kinh doanh hoạt động từ 9h30 - 23h. Học sinh bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở học từ 8h - 17h30 (bán trú), trung học phổ thông từ 7h - 11h và 12h30 - 16h30, các trường CĐ, ĐH sẽ có khung giờ khác nhau từng địa bàn.
|
Việc điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu người dân. Nhiều người ủng hộ nhưng cũng không ít ý kiến băn khoăn, liệu đây có thật là cách giải cứu cảnh ùn tắc đang ngày càng trầm trọng mà nhiều nỗ lực đã được đưa ra nhưng không đạt kết quả.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng nên điều chỉnh từng bước thay vì điều chỉnh toàn bộ. Trả lời báo chí, GS.TS Nguyễn Ngọc Đào, Hội nghiên cứu GTVT Đông Á cho biết những đề xuất lệch giờ làm và giờ đi học là những giải pháp cần làm, tuy nhiên đó cũng không hẳn là một điểm nút để giải quyết căn cơ bài toán ùn tắc giao thông ở Hà Nội hiện nay. Theo ông Đào, tắc đường tại Hà Nội là do người dân đi lại không chấp hành luật pháp, ngoài ra hạ tầng chưa đáp ứng là nguyên nhân gây tắc nghẽn giao thông cần phải xử lý càng nhanh càng tốt.
Anh Trần Hà, một công chức Bộ Công Thương cho biết: “Bản thân tôi, nếu đi làm lúc 9h thì 7h30 tôi cũng phải chở con đi học, không lẽ đưa con đi học rồi lại quay về nhà, làm như vậy còn tắc đường hơn. Chưa nói đến việc mình làm đến 18h, trong khi con tan học lúc 17h30 thì ai đón cho đây”.
Khảo sát ý kiến của các phụ huynh, chủ yếu là ở các bậc học tiểu học, THCS nhiều ý kiến cho rằng để giải quyết sự “lệch pha” trong giờ giấc hàng ngày như thế này, các trường nên xem xét tổ chức xe đưa rước học sinh. Chị Phương, một cán bộ của trường ĐH Thương mại cho biết: “Nên chăng các trường tổ chức khảo sát lấy ý kiến của phụ huynh về việc tổ chức xe đưa đón học sinh. Nếu gia đình nào không có ông bà đưa rước thì nên cho con đi xe đưa đón như vậy sẽ rất đỡ cho bố mẹ”.
Trao đổi với Thanh Niên chiều qua, 24.10 ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Sở chưa nhận được công văn hay ý kiến chính thức của UBND thành phố về vấn đề này. Dưới góc độ cá nhân, ông Nguyễn Hiệp Thống cho rằng nên có những bước khảo sát, tính toán rất kỹ để thuận lợi cho học sinh, cho việc dạy học và tiện cho việc đưa đón của phụ huynh.
Ông Thống cho biết, việc tổ chức xe đưa đón trước đây, Sở cũng đã có tính toán, nhưng không phải trường nào cũng tổ chức được mà nhiều khi nguyên nhân chỉ là vì hạ tầng cơ sở đường sá không đáp ứng được. Chẳng hạn, nhiều trường ở trong ngõ, xe không vào được hoặc không phải phụ huynh ai cũng có tiền để chi thêm tiền xe hàng tháng… Ngoài ra phải có một điều tra, nghiên cứu khác về việc điều chỉnh giờ học thế nào để đảm bảo thời gian học, thời gian ăn, nghỉ của học sinh hợp lý. Nếu điều chỉnh thời gian học quá muộn so với hiện nay, có thể giờ nghỉ của học sinh bị co lại. Vào mùa đông trời nhanh tối, tiết học cuối cùng có thể kết thúc rất muộn.
Đặc biệt, ông Hiệp cũng cho rằng, việc điều chỉnh giờ học, giờ làm việc để tránh ùn tắc giao thông chỉ là một trong nhiều giải pháp nên tính đến. Trên thực tế vào các dịp học sinh được nghỉ học, nhiều đường phố Hà Nội, nhất là các điểm nóng về giao thông, vẫn xảy ra ùn tắc.
Phi Loan
Bình luận (0)