Phụ huynh lại dở khóc dở cười khi học trực tuyến cùng con

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
21/02/2021 15:07 GMT+7

Vừa học vừa nghe bố mẹ mắng con, chửi nhau, hoặc nhiều bố mẹ quên rằng con đang bật camera học trực tuyến nên cứ đi qua đi lại trong bộ quần áo xộc xệch... Chưa kể đang học thì bị 'out' (rớt mạng) liên tục.

Chất lượng chỉ đạt 30-40%?

Anh Trần Duy Long có con học lớp 2 trường Tiểu học TL (Hà Nội) kể lại; "Do ban ngày phụ huynh đi làm, sợ các bé còn nhỏ quá không thể tự học được nên phụ huynh và giáo viên lớp con mình thống nhất giờ học trực tuyến là 19-21 giờ tối để bố mẹ có thể hỗ trợ con học. Mỗi lần cho con học trực tuyến là mình thực sự ức chế với Zoom. Đăng nhập trên máy tính thì bị lỗi nên chuyển qua điện thoại dùng 3G, 4G cũng bị lỗi tiếp. Đổi sang điện thoại khác được chút lại phải chuyển qua laptop. Zoom bị quá tải hoặc đường truyền của ISP bị bóp băng thông, nghẽn mạng liên tục như vậy nên việc học của con thường xuyên bị gián đoạn".

Học trực tuyến cần có không gian yên tĩnh

T.M

Không chỉ khó khăn về đường truyền, anh Long cho biết do lớp học quá đông, học sinh còn nhỏ nên thường mất tập trung, cô giáo cũng không thể sâu sát được với từng bé. "Chưa kể có nhiều chuyện bi hài. Nhiều phụ huynh ngồi cạnh con mà không chú ý, mic đang bật mà cứ mắng con hoặc cãi chửi nhau... Tất cả mọi âm thanh đều lọt vào khiến cho buổi học càng lộn xộn. Không chỉ vậy, nhiều bố mẹ quần áo xộc xệch cứ đi qua đi lại trước camera nhìn rất kỳ cục", anh Long chia sẻ thêm.
Với thực trạng như vậy, anh Long cho rằng chất lượng học trực tuyến chỉ đạt khoảng 30-40% so với học trực tiếp ở trên lớp.
Trong khi đó, chị Bùi Ngọc hiện đang có 2 con tham gia học trực tuyến, một bé lớp 10 Trường THPT Linh Trung và một bé lớp Trường Tiểu học Từ Đức (Q.Thủ Đức, TP.HCM). Chị Ngọc cho biết: "Cả hai vợ chồng mình phải tập trung theo sát con mới an tâm. Bé lớn thì học trực tuyến hoàn toàn, học cả ngày luôn. Mình phải sắm cho bé điện thoại tốt để có thể di chuyển cho đỡ mỏi, nếu ngồi máy tính bàn trong suốt 4 tiếng đồng hồ mỗi buổi học thì rất mệt, dù sau mỗi tiết có được giải lao. Ông xã đi làm phải in bài ra để tối về khảo con. Còn với bé lớp 3 thì trường chưa cho học trực tuyến hoàn toàn, có những môn cô cho bài tập làm. Nhưng nếu không có người ngồi sát bên thì con sẽ cầm chuột bấm lung tung rồi thoát ra, không tập trung được".
Chị Ngọc cũng cho rằng việc tiếp thu bài qua học trực tuyển chỉ đạt 40-50% thậm chí thấp hơn nên các phụ huynh chắc chắn sẽ rất lo lắng, nhưng trong tình thế dịch Covid-19 còn chưa ổn định thì không còn cách nào khác.

Tiểu học nên học trực tuyến thế nào cho hiệu quả?

Theo anh Trần Duy Long, ở lứa tuổi tiểu học, cô giáo nên quay clip bài giảng gửi cho cả lớp, mỗi học sinh sẽ nghe lại và có thêm sự hỗ trợ của phụ huynh. Sau đó cô giáo cho làm thêm bài tập liên quan đến bài giảng đó, hiệu quả sẽ cao hơn. "Nếu học kiểu cả lớp cùng truy cập vào Zoom rất không ổn, vì đường truyền bị nghẽn, nhiều học sinh bị out ra. Nếu không bị out thì lớp cũng lộn xộn với nhiều tạp âm từ các gia đình, trẻ thì thiếu tập trung. Mà đằng nào sau buổi học bố mẹ vẫn phải dạy lại nội dung", anh Long lý giải thêm.
Cũng đồng tình với ý kiến của anh Long, anh Nguyễn Quang Thiện, ngụ tại Chung cư Phú Thạnh, Q.Tân Phú có con học lớp 5 Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, đề xuất: "Năm ngoái con tôi cũng học trực tuyến theo kiểu cô giáo gửi link bài giảng là clip được quay sẵn các môn toán, tiếng Việt. Tôi học cùng con thì thấy rất ổn, thầy cô giảng cặn kẽ, chi tiết, giọng truyền cảm, con mở lên nghe thấy thích và tiếp thu tốt. Sau mỗi bài giảng là có phần bài tập để cho học sinh ôn lại kiến thức. Ba mẹ giảng thêm cho con là con có thể hiểu được".
Theo chị Dương Thu Thuỷ, ngụ tại chung cư Khang Phú có con học lớp 4 Trường Tiểu Học Huỳnh Văn Chính, Q.Tân Phú, thì việc học trực tuyến vẫn có thể đạt hiệu quả cao nếu học sinh ở các lớp lớn từ THCS trở lên có thể chủ động và ý thức tốt, đường truyền ổn định, phụ huynh nhắc nhở con tập trung và tạo không gian yên tĩnh, không bị tác động bởi bên ngoài. "Đối với học sinh tiểu học vì nhỏ quá, các con chưa tự ý thức được vẫn phải có ba mẹ kèm cặp, trong khi ba mẹ phải đi làm, thì cô giáo chủ nhiệm nên gửi clip bài giảng và link bài tập, phụ huynh và học sinh chủ động học trong một giờ giấc phù hợp, đến tối cô giáo tổng kết lại danh sách em nào đã học em nào chưa, sẽ tốt hơn là cả lớp cùng tập trung học online trực tiếp", chị Thuỷ nhận định.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.