Hồ Bán Nguyệt trong lành thơ mộng, cầu Ánh Sao lung linh kỳ ảo từ khi mới hình thành đã là nơi hẹn hò lý tưởng của những trái tim đang yêu. Nhưng Phú Mỹ Hưng còn là nơi xuất phát của rất nhiều tình yêu khác, được chia sẻ trong cuộc thi viết Khám phá vẻ đẹp văn minh đô thị Phú Mỹ Hưng, do báo Thanh Niên và Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng phối hợp tổ chức.
Phú Mỹ Hưng không của riêng ai
Một bờ kênh và một tiếng bìm bịp kêu có lẽ không phải là điều gì lạ lẫm giữa Sài Gòn lắm kênh rạch. Nhưng bờ kênh đó lại là hình mẫu cho ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống của những khối óc, bàn tay đã tìm mọi cách lưu giữ lại bờ kênh đó nguyên thủy, để rồi bất kỳ ai khi sống ở gần đây hoặc chỉ đi ngang qua đây cũng đều có thể lắng nghe “tiếng chim bìm bịp, tiếng chim cu gáy và nhiều loại chim khác như cò trắng, diệc đen, chim quốc, sáo nâu, chim sâu, chích chòe… bay lượn và kêu râm ran rất vui tai, đồng điệu với những tán cây xanh vươn ra dập dờn trên mặt nước”.
|
Bài viết dự thi mang tên Bờ kênh nguyên thủy đã được trao giải nhất, trị giá 15 triệu đồng cho bạn đọc báo Thanh Niên Nguyễn Văn Lợi. Từng là một chuyên gia về địa chất - khoáng sản đã đi rất nhiều, chứng kiến biết bao nhiêu công trình, dự án đồ sộ, ông Lợi vẫn tâm đắc về một bờ kênh nhỏ giữa Phú Mỹ Hưng: "Nhiều chủ đầu tư tự hào vì thay đổi được tự nhiên: san được cả núi, bạt được cả rừng, lấp được cả sông... để xây những công trình hiện đại nhưng riêng tôi rất trân trọng ý thức bảo vệ và tôn trọng thiên nhiên của những nhà hoạch định khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Điều đó thực sự tăng chất lượng cuộc sống, giúp con người tận hưởng tất cả những gì mà tự nhiên dành cho chúng ta". Rồi ông nhận xét: “Giá trị mà bờ kênh nguyên thủy bao quanh khu dân cư giữa lòng đô thị đem lại cho cuộc sống của hàng vạn, hàng triệu người sống trong thành phố là vô giá”.
|
Giá trị lan tỏa cho cả cộng đồng rộng lớn của khu đô thị Phú Mỹ Hưng là chủ đề nổi bật được rất nhiều bạn đọc chọn để thể hiện trong các tác phẩm dự thi. Phú Mỹ Hưng: Khu đô thị không ‘ích kỷ' là bài viết của bạn đọc Trần Văn Khoa, mô tả một Phú Mỹ Hưng không bị bao bọc bởi những “tường rào khô khốc” hay “thanh chắn vô hồn” cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bài viết đã mang đến giải 3 cho tác giả này. Hay một Phú Mỹ Hưng xanh tươi trong lành với những con chim sáo vui vẻ nhảy nhót trên bãi cỏ xanh, con cá tung tăng đớp mồi trong hồ Bán Nguyệt đã mang đến giải khuyến khích cho bài thơ Buổi sáng an nhiên của bạn đọc Vương Huyền Cơ.
Phú Mỹ Hưng của riêng từng người
Hẳn những con đường xanh mát, những hồ nước trong lành, những tiếng chim ca ríu rít ở Phú Mỹ Hưng là dành cho cả cộng đồng. Tuy nhiên, với một cậu học trò 15 tuổi ở trường Đinh Thiện Lý, Phú Mỹ Hưng là thiên đường tĩnh lặng gắn với bao kỷ niệm của riêng mình (tác phẩm Phú Mỹ Hưng: Mối tình 9 năm). Với một người dân xuất thân từ vùng cao nguyên lộng gió, Phú Mỹ Hưng là một góc Đà Lạt lãng mạn để cô nhung nhớ (tác phẩm: Một góc Đà Lạt giữa Phú Mỹ Hưng). Với cô thiết kế quảng cáo luôn cần nhiều ý tưởng, Phú Mỹ Hưng là nơi đã chắp cánh cho những ý tưởng cho cô với những khung cảnh đầy ắp tình người như cảnh anh bảo vệ đưa người nước người băng qua đường (tác phẩm Phú Mỹ Hưng: Cho ý tưởng bay xa)...
Một Phú Mỹ Hưng xanh mát, trong lành, hiện đại... đã đem lại sự thoải mái, an lành cho cả cộng đồng. Một Phú Mỹ Hưng với những nét văn hóa nhân văn, những cách hành xử đầy tình người đã làm cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn. Đó cũng là lý do tác giả đạt giải nhất Nguyễn Văn Lợi, dẫu đã gởi dự thi 3 bài viết và một bài thơ cho biết vẫn chưa thể lột tả hết cái đẹp của Phú Mỹ Hưng. Ban tổ chức cuộc thi cũng đã nhận được nhiều đề nghị của bạn đọc, mong có những cuộc thi tiếp theo để tiếp tục được chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc, cảm nhận của mình về những nét văn minh của khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Kết quả cuộc thi viết Khám phá vẻ đẹp văn minh đô thị Phú Mỹ Hưng (từ 19.4 đến 19.6):
Giải nhất 15 triệu đồng: bài viết Bờ kênh nguyên thủy của Nguyễn Văn Lợi.
Giải nhì 10 triệu đồng: Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, chiếc phong linh 8 thanh kỳ ảo của Minh Trung.
Giải ba 5 triệu đồng: Phú Mỹ Hưng: khu đô thị không "ích kỷ" của Trần Văn Khoa.
5 giải khuyến khích, mỗi giải 1 triệu đồng dành cho 5 bài viết:
Phú Mỹ Hưng: Mối tình 9 năm của Đặng Minh Tuấn
Ngang qua Phú Mỹ Hưng của Khánh Hưng
Buổi sáng an nhiên của Vương Huyền Cơ
Phú Mỹ Hưng: Văn minh đến từ đâu? của Đào Đức Thọ
Phú Mỹ Hưng: Không gian cho cộng đồng của Trần Văn Tường.
|
Bình luận (0)