Dưới tác hại của môi trường khói bụi và sự luân chuyển liên tục của thời tiết, để có thể giữ chiếc xe luôn bóng đẹp theo thời gian, các chủ sở hữu đã không ngần ngại chi trả nhiều tiền cho các dịch vụ hứa hẹn mang đến giải pháp bảo vệ và làm bóng bề mặt sơn, từ đó các thuật ngữ “phủ nano”, “phủ sứ”, “phủ thủy tinh”, “phủ thạch anh”... chắc hẳn đã không còn quá xa lạ.
Tuy nhiên, câu chuyện về các loại lớp phủ hay còn gọi là "phủ nano" này lại đang gây ra rất nhiều tranh cãi trái chiều, thậm chí đôi khi còn nhận được vô số các lời khuyên bài xích từ những người đã từng trải nghiệm, vậy đâu là nguyên nhân? Sản phẩm có thật sự hữu ích? Hay những thông tin trên thị trường đang bị truyền đạt chưa đúng, khiến nhiều khách hàng có sự nhầm lẫn về công dụng thật sự của dịch vụ này?.
Phủ nano là gì?
Trên thị trường hiện nay, chúng ta tạm chia thành ba loại lớp “phủ bảo vệ” cơ bản:
• Wax: làm từ nhựa cây cọ Carnauba.
• Paint Sealant: là một dạng wax do con người tự tổng hợp tạo ra.
• Ceramic, Titanium: là dạng mới nhất hiện nay, được tạo ra bằng công nghệ nano.
Thêm vào đó, rất gần đây đã nhen nhóm sử dụng siêu vật liệu đầy tiềm năng là Graphene.
|
“Nano” là một trong những loại lớp phủ cơ bản mặc dù cụm từ “phủ nano” được dùng rất nhiều. Lý do nano chỉ là đơn vị đo lường (nano mét, micro mét, mili mét…) chứ không phải là tên một loại chất phủ. Điều này đồng nghĩa rằng khi nói “phủ nano” là đang nói đến một loại hợp chất phủ bảo vệ mà ở đó các hạt ở kích thước nano, với kích thước đó chúng có thể lấp đầy và đều các khoảng lồi lõm, sần sùi vốn có bình thường trên bề mặt sơn. Hiện tại trên thị trường chỉ có 2 loại chất phủ bảo vệ level nano là Ceramic (SiO2) và Titanium (TiO2).
Dù vậy, do đã quen miệng từ lâu nên mọi người thường gọi là “phủ nano” để chỉ chung tất cả các loại phủ, điều này cũng không có gì sai. Mặc dù được gọi “phủ bảo vệ”, nhưng “bảo vệ” đến đâu, như thế nào và bằng cách nào thì chúng ta cần hiểu rõ hơn về sản phẩm để có thể sử dụng đúng và phát huy tối đa được tính năng của nó.
Theo anh Phạm Tuấn - Giám đốc trung tâm chăm sóc xe AeroWash - TPHCM chia sẻ: “Trải qua rất nhiều trải nghiệm thực tế trong thời gian dài, chúng tôi đúc kết được rằng tính năng bảo vệ của các loại “phủ nano” từ trước tới nay không phải là một chiếc áo giáp bất khả xâm phạm, độ dày của lớp phủ này chỉ từ 1-2 microns (µm), quá mỏng so với tổng độ dày của lớp sơn (70-140 microns (µm) ).”
|
Do đó, lớp phủ không thể giúp lớp sơn xe chống chọi hoàn toàn với các tác nhân gây hại bên ngoài như va quẹt, đất cát chà xát lên bề mặt (thường do rửa xe cẩu thả), các đốm nước mốc ố (do mưa axit, nước chứa khoáng nhiều, nước bị ô nhiễm đọng lại trên bề mặt và bốc hơi) hay vết phân chim, nhựa cây,…
Lớp phủ chỉ đóng vai trò là lớp màng chắn mỏng với hiệu ứng lá sen khiến các loại bụi li ti hoặc nước mưa có chứa cặn bẩn khó bám hơn trên bề mặt và dễ dàng trôi đi khi xả nước.
Lời khuyên từ chuyên gia
Theo anh Tuấn, những người thật sự "yêu" chiếc xe của mình nên phủ một lớp bảo vệ bề mặt sơn dù wax, sealant hay cao cấp nhất là Nano Ceramic, vì nó giúp chủ nhân chăm sóc chiếc xe dễ dàng hơn, tiết kiệm thời gian và đỡ tổn hại bề mặt sơn hơn. Ngoài ra, còn góp phần giúp mặt sơn bóng bẩy, nhìn “đã mắt” hơn. Tất nhiên, lựa chọn các trung tâm dịch vụ uy tín là điều nên làm.
“Theo trải nghiệm cùng lượng kiến thức đúc kết được, các loại lớp phủ khác nói chung và Ceramic nói riêng có vai trò chính xác là phương pháp “hỗ trợ bảo vệ” bề mặt sơn, chứ không phải giải pháp bảo vệ mặt sơn tránh trầy xước, va chạm như lớp film PPF - Paint Protection Film.” - anh Phạm Tuấn chia sẻ.
|
Cũng theo anh Phú Tống - Giám đốc chuỗi chăm sóc xe chuyên nghiệp Mobile Car Care Việt Nam chia sẻ: "Phủ nano cho xe ô tô là việc nên làm vì sẽ giúp nước sơn của xe được tăng cường độ cứng, xe bóng hơn, bảo vệ sơn xe dưới tác động của môi trường như tia UV, mưa axit, khói bụi, ô nhiễm... giúp tiết kiệm chi phí chăm sóc xe của chủ nhân sau này."
Ngoài ra, cần lưu ý rằng, vẻ đẹp và sự bền lâu của bề mặt sơn xe hơi không phụ thuộc quá nhiều vào lớp phủ, mà do chiếc xe được chăm sóc đúng cách. Các loại chất phủ là phương pháp “Hỗ trợ” bảo vệ chứ không phải là giải pháp ngăn chặn hoàn toàn. Một chiếc xe sau khi đã được chăm sóc tổng thể, thì việc nên làm tiếp theo là tăng cường, bảo vệ và duy trì thành quả đó, và công đoạn phủ nano là một phần của tất cả thành quả này.
Bình luận (0)