Phụ nữ phía sau bản án: 'Con dại cái mang'

13/05/2022 05:28 GMT+7

Khi một vụ án được đưa ra xét xử, người chịu tác động và ảnh hưởng không chỉ riêng bị cáo mà còn với chính người thân của họ. Đó có thể là người mẹ, người dì, người em gái..., với những nỗi đau, day dứt không nguôi...

Phía sau một bản án, khi bị cáo đã chịu mức hình phạt với tội danh mình gây ra, thì với thân nhân của họ vẫn chịu nhiều nỗi đau xót và tác động từ xã hội. Đó có thể là một người mẹ nhớ con, hay một người dì mang nỗi ân hận vì một lời hứa chưa làm tròn…

Ám ảnh, nhớ con

Cách đây 3 năm, vào ngày 29.8.2019, TAND TP.HCM đưa vụ án N.H.P.T cùng 7 đồng phạm đã thực hiện 11 vụ cướp tài sản tại cửa hàng tiện lợi trên địa bàn các quận 3, 5, 6, 11 và Tân Bình ra xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa hôm ấy, bà L., mẹ của T., ngồi khóc suốt. Cho đến khi T. bị tòa tuyên 8 năm tù, bà L. vừa khóc vừa chạy theo con trai đang bị dẫn giải ra xe bít bùng, rồi ngã khuỵu xuống đất, ngất lịm đi.

Năm 2020, bà L.còn bán quán nước tại một con hẻm ở đường 3 Tháng 2, Q.10

HOÀI NHÂN

Khoảng thời gian sau, chúng tôi có gặp lại bà L. tại phiên tòa phúc thẩm. Lúc đó, tòa giảm án cho T. từ 8 năm tù còn 7 năm tù. Bà L. kể bà đang bán một xe cà phê ở con hẻm gần nhà trên đường 3 Tháng 2 (Q.10), rồi bán thêm vé số để có tiền thăm nuôi T. và chăm 2 cháu ngoại.

3 năm sau, tôi tìm đến nhà bà L. Phía trước con hẻm là chỗ để xe bán cà phê, đi vào bên trong hẻm vẫn là căn nhà lụp xụp, nhưng bà L. không còn ở đây. Người thân của bà L. cho biết sau đợt giãn cách xã hội hồi tháng 10.2021, bà L. dẫn theo cháu ngoại về Bình Phước.

Bà L. mắc nợ, ban đầu vay chỉ vài triệu đồng để cho cháu ngoại đi học. Đến khi T. vướng vào tù tội, vừa chăm cháu, vừa thăm nuôi con ở trong tù, lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền nợ lên tới 18 triệu đồng. Xoay tiền trụ ở thành phố không nổi, bà L. rời TP.HCM về Bình Phước để bán vé số mưu sinh.

Tìm được bà, khi tôi hỏi về T., bà L. ngập ngừng, chực khóc. Hơn 3 năm qua, bà chưa có một giấc ngủ yên. Bà L. nhớ rõ những lần vào thăm T. trong trại giam, những cuộc thăm nuôi đầy nước mắt. T. gầy gò, xanh xao. Bà vẫn nhớ rõ cái ngày T. phạm tội vào giữa năm 2018. Chính bà đã đưa con trai ra công an phường đầu thú. Thời điểm đó, T. chỉ mới 16 tuổi, chỉ kịp nói với bà do ham chơi, nghiện game nên làm chuyện sai trái.

N.H.P.T (đứng) tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 8.2019

“Con hư tại mẹ”

Mỗi tháng T. đều gọi về nhà. Mỗi tháng gọi một lần và lần nào nghe điện thoại, 2 mẹ con bà L. đều khóc. T. giờ không còn là đứa trẻ bồng bột, nông nổi. T. nói với bà L. đã biết lỗi, giờ cố gắng lao động, cải tạo tốt để sớm về nhà. T. còn hứa với mẹ sau này trở về nhà sẽ không chơi bời, xin đi học nghề, phụ giúp mẹ một tay.

Bà L. khóc vì ray rứt trong lòng. Bà nghĩ T. vướng vào tù tội như ngày hôm nay, lỗi một phần do bà. Bà L. cũng định sau khi con ra tù, sẽ xin cho con vào xưởng ở trên Bình Phước để học nghề rồi làm việc.

Trước đây khi được trại giam cho vào thăm nuôi 2 - 3 tuần/lần, mỗi lần vào thăm bà L. đều mang theo những thứ T. thích ăn nhất. Dịp tết năm 2020, bà L. cùng mấy dì của T. mỗi người gom lại một chút gửi vô cho T. với bánh mứt, thịt. Sau đó, dịch Covid-19, bà L. cũng không vào thăm T. được, mà chỉ gửi tiền rồi gửi quà vào cho con.

Chuyển lên Bình Phước, cuộc sống khó khăn, bà L. bị thêm bệnh tiểu đường, cao huyết áp. Mỗi ngày, bà L. đi bán khoảng 150 tờ vé số. Mỗi tháng, tiền trọ, ăn uống dù chắt chiu từng chút cũng mất hết tiền triệu.

“T. đang ở trại giam Z30D, H.Hàm Tân, Bình Thuận. Mỗi lần lên thăm con chi phí đi lại, test Covid-19 tổng cộng gần 1 triệu đồng. Thấy tốn kém quá, nên tôi đành ở nhà ăn uống tiết kiệm, chừng vài tháng dư được 500.000 đồng thì gửi lên cho nó”, bà L. nói.

Dù đã hơn 3 năm trôi qua, nhưng trong lòng bà L. luôn hằn câu nói “con hư tại mẹ”. Bà L. kể rằng những ngày sau khi T. bị bắt, hàng xóm nói bà không biết dạy con để con đi trộm cắp. Ban đầu bà L. xấu hổ, không dám ra khỏi nhà, nhưng sau nghĩ lại, có lẽ lỗi một phần cũng từ bà. Cuộc đời bà không mấy suôn sẻ, lấy chồng say xỉn, rượu chè rồi đánh, chửi vợ con nên phải ly dị. Bà có 2 đứa con. Đứa con gái bỏ lại 2 đứa con cho bà để lập gia đình mới. Còn T. thì lâm đường tù tội. Nếu bà cố gắng dạy dỗ T. đàng hoàng thì giờ gia đình bà đã khác.

Đang ở Bình Phước với đứa cháu lớn N.T.T (12 tuổi), bà L. kể: “Ban đầu cháu theo học lớp 6 ở TP.HCM, đến khi tôi lên Bình Phước, nó phải bỏ học để đi theo. Lên trên này, nó phải ở nhà chờ qua năm nộp hồ sơ đi học lại. Còn đứa cháu thứ hai là N.T.D (11 tuổi) tôi để lại TP.HCM ở nhờ nhà họ hàng, cho đi học”.

“Nhiều lúc mình nghĩ, lúc đó cuộc sống áp lực, phải chi mình nhịn cha nó, cho qua mọi chuyện, để con có một gia đình trọn vẹn, không để T. chán nản gia đình, bị áp lực rồi suy nghĩ nông nổi”, bà L. nói.

Cuộc sống của bà L. chưa bao giờ thôi áp lực, buồn tủi. Kinh tế khó khăn, gia đình ly tán. Bà L. nói cuộc sống cực khổ bà đã quen rồi. Chịu cực, chịu khổ sao cũng được, bà chỉ sợ không đợi được đến lúc T. ra tù, bỏ 2 đứa cháu không ai lo. Cứ mỗi dịp lễ, bà chỉ cầu mong T. cải tạo tốt để được giảm án, bà thì đủ khỏe mạnh, đợi tới khi T. ra tù trở về, hai mẹ con sống với nhau.

Bà L. và hai đứa cháu ngoại

Lời hứa chưa trọn

Một ngày cuối tháng 3.2022, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm bị cáo N.C.N (44 tuổi, ngụ Q.10) và các đồng phạm về tội “mua bán trái phép chất ma túy”. Theo truy tố, N. đã điều hành đường dây mua bán ma túy từ Campuchia về TP.HCM với số lượng 63,5 kg.

Suốt buổi xét xử, thỉnh thoảng chúng tôi lại thấy bà C. (70 tuổi, dì ruột của C.) chắp tay cầu mong cho N. được tòa tuyên mức án chung thân, làm lại cuộc đời.

Bà C. kể N. không phải là con ruột của bà, nhưng từ khi mẹ N. (em ruột của bà) mất, bà đã nhận N. làm con nuôi. “Cha N. bỏ N. lúc còn trong bụng mẹ, còn mẹ N. mất từ khi N. 10 tuổi. Lúc ra đi, mẹ nó chỉ trăng trối với tôi phải hứa ráng nuôi N. nên người”, bà C. kể. Thương em, thương cháu, bà C. hứa, và coi N. như con ruột của mình.

Cuộc đời của N. chỉ gói gọn trong câu “vào tù ra tội”. Số lần bà C. và N. gặp nhau ở trại giam còn nhiều hơn ở nhà. Từ năm 13 tuổi N. đã đi bụi đời, ngủ ở sạp thịt ngoài chợ, không nghe lời ai dạy dỗ. Đến năm 17 tuổi, N. đã hai lần phải vào tù vì tội trộm cắp, chiếm đoạt tài sản. Sau khi ra tù, N. lập gia đình. Đến khi con trai lên 5 tuổi, N. lại nghe lời rủ rê của bạn bè xuống Châu Đốc, An Giang tàng trữ trái phép chất ma túy, bị kết án 9 năm tù.

Cuối năm 2019, N. ra tù, bà C. gom góp tiền cho N. mua chiếc xe chở trái cây để bán ở khu công nhân. Những tưởng cháu mình tu chí làm ăn, nhưng được chừng vài tháng, bà C. nhận được tin báo N. lại bị bắt vì tội mua bán trái phép chất ma túy.

Từ lúc N. bị bắt, bà C. phải giấu người thân, giấu con trai của N. Cả đời bà C. lo cho N., bởi N. vô tù không biết bao nhiêu lần, lo tiền đi thăm nuôi, gửi đồ ăn, tiền bạc, áo quần. Đến mức mọi người kêu bà C. phải bỏ đi vì N. đã “hết đường cứu chữa”. Nhưng mỗi lần muốn bỏ, bà lại nghĩ đến lời hứa với mẹ ruột của N., ngẫm nghĩ N. cũng như là máu mủ của bà.

Đến khi tòa tuyên mức án “tử hình”, bà C. ngã khuỵu dưới hàng ghế dự khán. Đâu đó, bà vẫn tự trách mình, vẫn nhớ về lời hứa chưa trọn với mẹ của N. Để N. vào cảnh tù tội, là lỗi một phần ở bà đã không làm đúng lời hứa với mẹ N., không thể dạy dỗ N. thành người đàng hoàng, tử tế.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.