Phụ nữ phía sau bản án: Gian nan đòi con

14/05/2022 05:37 GMT+7

Sau khi bản án ly hôn có hiệu lực, dù tòa án trao quyền nuôi con cho người mẹ hay người cha thì đều để lại sự tổn thương và thiệt thòi cho trẻ.

Thay vì làm theo phán quyết của tòa, thì phía sau bản án đó, có những người mẹ đang gian nan, trầy trật chỉ để đòi con từ chồng cũ.

Bà T.T.T.H chụp ảnh cùng con gái lúc bé 27 tháng tuổi

SONG MAI

Sang Mỹ tìm con

Bà T.T.T.H (44 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) và ông L.H.T (50 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM) đăng ký kết hôn vào ngày 8.1.2009 và có 2 con chung là L.N.M (13 tuổi) và L.T.H (8 tuổi). Không hợp nhau về tính cách và cách nuôi dạy con, cả hai ly thân. Đến khoảng tháng 1.2020, ông T. nộp đơn ly hôn, yêu cầu được nuôi dưỡng 2 con, không yêu cầu bà H. cấp dưỡng.

“Ông T. hiện là tổng giám đốc một công ty bảo hiểm nên có thu nhập ổn định, đủ điều kiện lo cho 2 con. Tôi cũng thu nhập 30 triệu đồng/tháng và có 3 căn nhà cho thuê. Mặt khác, ông T. và con có quốc tịch Mỹ, nếu tòa giao 2 con cho ông T. sẽ ảnh hưởng đến việc thăm nom các con của tôi. Nhưng tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên giao 2 con cho ông T. nuôi dưỡng”, bà H. nói trong nỗi ngậm ngùi nhớ con.

Bà H. cho biết sau khi tòa phúc thẩm tuyên án, ông T. đưa các con ra khách sạn ở và không cho bà H. gặp con. Đến ngày 28.5.2021, bà chỉ kịp nhắn tin hỏi thăm con một vài dòng, thì hay tin ông T. đã đưa 2 con xuất cảnh về Mỹ. Sau đó, ông T. cắt đứt toàn bộ liên lạc với bà H.

Nhớ con, bà H. đã nhiều lần gọi điện thoại, nhắn tin ông T. chỉ mong muốn được nhìn và nói chuyện với con, nhưng ông T. chỉ xem và không phản hồi. Sau đó, ông T. gửi cho bà một file ghi âm nói chuyện với 2 con có nội dung “2 con không muốn, không thích gặp mẹ”.

Đau đớn, bà H. đã gửi đơn thư cầu cứu tới nhiều cơ quan bảo vệ phụ nữ và trẻ em, gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm lên TAND cấp cao tại TP.HCM. Sau đó, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM kháng nghị giám đốc thẩm, theo hướng hủy một phần bản án để xét xử lại, tạm đình chỉ thi hành đối với bản án phúc thẩm.

Vì quá nhớ con, bà H. đã tìm cách liên hệ với các con nhưng vẫn vô vọng. Ông T. cắt đứt mọi liên lạc với bà H. Đến ngày 27.4 vừa qua, bà H. bay sang Mỹ để tìm con. “Tôi sang Mỹ 2 tuần để tìm con. Chồng tôi thương con thì tôi cũng thương con. Máu mủ của mình, tôi không thể bỏ được. Qua Mỹ, lân la tìm được trường nơi con học nhưng dẫu đã phải qua nhiều thủ tục, tôi cũng chỉ gặp được con một tiếng đồng hồ”, bà H. chia sẻ.

Chị N.T.M.T (39 tuổi, ngụ Vĩnh Long) xem ảnh con gái của mình cho vơi nỗi nhớ

SONG MAI

Mòn mỏi

Tháng 8.2019, chúng tôi gặp chị N.T.M.T (39 tuổi, ngụ Vĩnh Long) tại Tòa Gia đình và người chưa thành niên (TAND TP.HCM). Thời điểm đó, chị T. đang đến dự phiên tòa phúc thẩm ly hôn, tranh chấp quyền nuôi con với chồng là anh C.V.Q (39 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM). Chị T. kể xét xử sơ thẩm, TAND Q.Bình Tân giao con chung là bé T. (7 tuổi) cho chị T. nuôi dưỡng. Ngay sau khi tòa tuyên án, anh Q. cùng bố mẹ anh đã giành lại bé T. trong vòng tay chị T. và không cho chị gặp con.

Tại phiên phúc thẩm ngày 25.11.2019, HĐXX nhận định, xét mức thu nhập hằng tháng, công việc và hoàn cảnh của mỗi bên, thì anh Q. và chị T. đều đủ điều kiện đảm bảo chăm sóc con tốt. Tuy nhiên, tại thời điểm tòa xử phúc thẩm, bé T. đã đủ 7 tuổi có nguyện vọng sống cùng mẹ, nên tòa phúc thẩm tuyên giao con cho chị T. nuôi dưỡng.

Sau phiên tòa phúc thẩm, chị T. còn mừng rỡ nói với mọi người rằng, chị định bụng đi làm vài năm tích góp tiền bảo hiểm, rồi cùng con về quê sinh sống. Và rồi bản án phúc thẩm đã tuyên và có hiệu lực thi hành từ ngày 25.11.2019, nhưng hơn 3 năm sau, khi chúng tôi gặp lại chị T., chị vẫn chưa được quyền nuôi con.

Chị T. cho biết sau khi bản án có hiệu lực, phía Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) Q.Bình Tân đã hai lần gửi giấy mời anh Q. đến làm việc, giao con chung cho chị T. trực tiếp nuôi dưỡng, nhưng anh Q. và gia đình không thực hiện theo quyết định này.

Bà N.H.N (43 tuổi, ngụ Cà Mau) gian nan đòi con

NGHI ANH

Sau đó, Chi cục THADS Q.Bình Tân đã ra quyết định cưỡng chế THA đối với anh Q. vào ngày 1.7.2020. Tuy nhiên, việc cưỡng chế THA không thành, nên Chi cục THADS Q.Bình Tân lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với anh Q. Anh Q. đã có hành vi vi phạm hành chính khi không có mặt tại UBND P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân để thực hiện việc giao con chung là bé T. cho chị T. trực tiếp nuôi dưỡng.

Chị T. tâm sự, suốt mấy năm qua, chị không được đưa con đi chơi ở bất cứ đâu, cũng không có một ngày được ở bên con trọn vẹn hay đưa con về thăm ông bà ngoại. Để có thể gặp con, mỗi buổi chiều đi làm về, chị lại đứng trước cổng nhà chồng cũ nhìn lên, còn bé T. sẽ đứng phía ban công nhìn xuống để chào mẹ. Muốn cho con ăn những món con thích, chị nấu rồi mang qua nhà chồng, cho con gái ăn phía trước cổng nhà, dưới sự theo dõi của bố mẹ chồng.

“Con gái tôi đang trong độ tuổi phát triển tâm sinh lý, cần có sự chở che, dạy bảo và yêu thương từ mẹ. Nhưng con học ở trường, chồng cũ cũng dặn cô giáo không để tôi đến gặp được con. Gia đình chồng cũ như tìm mọi cách ngăn cản tôi gặp con. Không muốn con chứng kiến cảnh cha mẹ tranh giành, cãi vã nhau, tôi đành chờ động thái từ phía cơ quan THA”, chị T. nói.

Hay trường hợp của bà N.H.N (43 tuổi, ngụ Cà Mau), người bị chồng cũ là ông T. (44 tuổi, ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM) “cướp” lại con trên tay sau khi rời khỏi cơ quan THA. Bà N. kể bà ly hôn chồng cũ và được TAND TP.HCM tuyên giao quyền trực tiếp nuôi con là bé L.D (8 tuổi) vào tháng 1.2020. Sau khi bản án có hiệu lực, thời gian đầu, ông T. gửi con về cho ông bà nội ở Bạc Liêu trông nom, nhiều lần bà N. đến thăm con đều bị ngăn cấm, dẫn đến xô xát phải báo chính quyền địa phương.

Sau khi cơ quan THA ra các quyết định cưỡng chế, xử phạt vi phạm hành chính, phía ông T. mới đồng ý THA. Đến tháng 5.2021, ông T. đã ký vào biên bản, đồng ý giao lại con gái cho bà N. tại Chi cục THADS H.Bình Chánh. Nhưng khi bà N. vừa rời khỏi Chi cục THADS H.Bình Chánh đến địa bàn xã Tân Kiên, H.Bình Chánh (TP.HCM), thì bị một nhóm người trong đó có ông T. chặn xe, đập phá xe rồi giật lấy con trên tay bà.

“Sau đó tôi có đến trình báo Công an xã Tân Kiên. Cơ quan này đã tiếp nhận, chuyển hồ sơ lên Công an H.Bình Chánh giải quyết, nhưng đến nay tôi không nhận được thông tin gì từ phía công an”, bà N. cho biết.

Theo lời bà N., bà bị gia đình chồng cũ cắt đứt liên lạc. Hỏi thăm hàng xóm, bà N. được biết bé L.D được ông T. cho về Bạc Liêu ở với ông bà nội. Nhớ con, bà N. chỉ biết nhìn con qua những tấm ảnh, mỗi lần gọi điện thoại cho gia đình chồng cũ mong được gặp con nhưng họ đều tắt máy.

“Cuối tháng 4.2022, tôi có biết trường con gái học ở Bạc Liêu nên có ghé canh để được gặp con. Vừa thấy con gái, tôi định chạy lại ôm thì bị mẹ chồng cũ gạt ra, không cho đến gần. Sợ con khóc khi thấy người lớn cự cãi, tôi chỉ dám đứng từ xa nhìn”, bà N. ngậm ngùi.

(còn tiếp)

Phụ nữ phía sau bản án

'Con dại cái mang'

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.