(TNO) Có thể nói, những phát triển nhanh chóng về kinh tế, khoa học - công nghệ tại Nhật Bản và Hàn Quốc không đi cùng với sự nâng cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội hai quốc gia này. Hai cường quốc này thường xuyên bị xếp top dưới trong những bảng xếp hạng về bình đẳng giới.
Công nương Masako (phải) - Ảnh: Reuters
|
Từ vị công nương Nhật Bản…
Năm 1993, khi Masako Owada kết hôn với Thái tử Naruhito, người ta hy vọng rằng cô sẽ là luồng gió mới thổi vào hoàng gia Nhật Bản. Công chúng cũng chờ đợi cô con gái của một nhà ngoại giao, người từng lớn lên ở nhiều quốc gia, tốt nghiệp Đại học Harvard và Đại học Tokyo, sẽ góp phần nâng cao tiếng nói của phụ nữ trong công sở và xã hội nói chung, theo tờ The Globalist (Mỹ). Vào lúc đó, không ai có thể ngờ rằng Masako Owada, cô gái xuất chúng từng làm việc tại Bộ Ngoại giao, sau 2 thập kỷ lại trở thành Công nương Masako u buồn, xa lánh công chúng và các nghĩa vụ hoàng gia sau khi không thể sinh được một hoàng tử nối dõi cho hoàng gia.
Câu chuyện của Công nương Masako không hẳn là một câu chuyện chỉ xảy ra tại hoàng gia. Nhật Bản, đất nước với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, vẫn đối mặt với nạn bất bình đẳng giới nặng nề. Cụ thể, năm 2014, Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp Nhật Bản thứ 104 về mức độ bình đẳng giới trên tổng số 142 quốc gia được khảo sát.
Phụ nữ Nhật Bản thụ hưởng sự giáo dục hầu như không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, dù vậy chỉ có 63% phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động, thấp hơn nhiều so với các quốc gia giàu có khác, theo chuyên san The Economist (Anh). Tại Nhật, khi phụ nữ có đứa con đầu tiên, 70% sẽ nghỉ việc trong khoảng 10 năm hoặc hơn; con số này tại Mỹ chỉ có 30%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Không phải mọi ông chồng Nhật Bản đều muốn vợ mình nghỉ việc ở nhà và làm một bà nội trợ toàn thời gian. Theo một khảo sát năm 2014 của tờ The Tokyo Times (Nhật Bản), 30,2% số chàng trai độc thân được khảo sát phản đối ý tưởng vợ họ nghỉ việc sau đám cưới, trong khi chỉ có 19,3% ủng hộ lựa chọn này. Thay vì các ông chồng, chính văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản đã cản trở phụ nữ phát triển sự nghiệp của mình. Tại các công ty này, sự thăng tiến trong sự nghiệp thường dựa trên thời gian người nhân viên “cắm đầu vào việc”, theo The Economist. Cũng theo chuyên san này, các ông chủ Nhật Bản thường ưu tiên chọn nam giới vào vị trí lãnh đạo, trong khi đó nhân viên nữ thường “mắc kẹt” lại các công việc liên quan đến giấy tờ.
Ngoài ra, nguyên nhân phụ nữ Nhật Bản có ít vai trò trong các lực lượng kinh tế, chính trị tại đất nước này đôi khi đến từ… chính họ. Nhiều phụ nữ đơn giản là không muốn đi làm. The Economist dẫn lời Mariko Bando, tác giả cuốn sách bán chạy Lòng tự trọng của một người phụ nữ, rằng nhiều phụ nữ quan niệm họ không cần thành công trong sự nghiệp để có vị trí cao trong xã hội. Theo đó, một phụ nữ học vấn cao làm việc bán thời gian trong siêu thị sẽ không xem công việc là thước đo đánh giá bản thân nếu chồng cô ấy là một nhân viên cao cấp trong tập đoàn Mitsubishi.
Nhiều phụ nữ Nhật Bản buộc phải lựa chọn giữa sự nghiệp và việc chăm sóc con cái - Ảnh: Reuters
|
Tháng 10.2014, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra kế hoạch nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động như một trong những yếu tố chủ chốt của tăng trưởng kinh tế, theo trang Nippon (Nhật Bản). Ông Abe nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiến đến một xã hội nơi “mọi phụ nữ đều có thể tỏa sáng” và hứa hẹn đến năm 2020, phụ nữ sẽ nắm giữ 30% các vị trí lãnh đạo tại Nhật Bản. Tuy nhiên, chính sách của ông Abe bị chỉ trích chỉ nhắm đến một số ít phụ nữ thuộc tầng lớp tinh hoa mà thiếu đi việc cải tạo xã hội, giảm bớt sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ nói chung, theo tờ The Japan Times (Nhật Bản).
… đến vị nữ tổng thống Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, phụ nữ ở một số nơi vẫn gặp phải định kiến và phân biệt đối xử so với nam giới. Trang Korean Expose dẫn một bài báo trên tờ Segye Ilbo vào năm 2012, theo đó, một phụ nữ giết chết người chồng vũ phu của mình bị nhiều người cho rằng “cô ta xứng đáng bị đánh”. Trước đó, năm 2004, dư luận Hàn Quốc chấn động bởi vụ việc 5 nữ sinh cấp 2 bị 41 nam sinh cấp 3 cưỡng hiếp ở tỉnh Gyeongsang. Một nam cảnh sát khi báo cáo sự việc được cho đã phát biểu rằng những nạn nhân “làm mất mặt quê hương mình”, theo tờ Korea JoongAng Daily (Hàn Quốc).
Phụ nữ tại Hàn Quốc vẫn gặp nhiều định kiến - Ảnh: AFP
|
Tương tự Nhật Bản, phụ nữ tại Hàn Quốc cũng gặp nhiều khó khăn trong việc theo đuổi sự nghiệp. Giờ làm việc kéo dài và yêu cầu giao tiếp, mở rộng quan hệ với đối tác, đồng nghiệp như một phần thiết yếu của công việc khiến nhiều phụ nữ không thể đảm bảo phát triển sự nghiệp sau khi lập gia đình và có con, theo chuyên san The Diplomat (Nhật Bản).
Nhiều phụ nữ Hàn Quốc nghỉ việc ở tuổi 30 để kết hôn và sinh con, sau đó họ chỉ trở lại công sở trong vai trò một nhân viên bán thời gian. Những phụ nữ khác không chấp nhận lựa chọn trở thành một bà nội trợ, chỉ có thể quyết định không kết hôn để theo đuổi sự nghiệp. Ví dụ cụ thể nhất cho lựa chọn không kết hôn của một phụ nữ Hàn Quốc chính là bà Park Geun-hye, nữ tổng thống đầu tiên của nước này. Thậm chí, người ta vẫn thường nhớ tới câu nói rằng Park Geun-hye đã “kết hôn” với đất nước của mình.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye - Ảnh: Reuters
|
Hàn Quốc xếp thứ 117/142 quốc gia về mức độ bình đẳng giới, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Năm 2001, chính phủ Hàn Quốc thành lập Bộ Bình đẳng Giới, theo tờ The Wall Street Journal (Mỹ). Seoul đang nỗ lực giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới bằng việc tăng ngân sách cho bộ này, nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc trẻ em… Trang Korean Expose nhận định rằng phụ nữ tại Hàn Quốc có triển vọng thụ hưởng một cuộc sống tốt hơn trước đây, dù con đường dẫn quốc gia Đông Á này đến bình đẳng giới thật sự vẫn còn dài.
Bình luận (0)