Phụ nữ Việt, họ là ai?: Kỳ 2 - Người xây tâm hồn từ tiếng chửi thề

16/10/2018 09:32 GMT+7

Các cô giáo ở những trung tâm giáo dục thường xuyên hẳn thấu hiểu cảm giác tủi thân, bất lực khi đối diện học trò ngỗ nghịch. Những tiếng chửi thề, văng tục, nếu thống kê, có lẽ nhiều hơn những từ cảm ơn, xin phép…

“Mày mà đuổi con tao, tao cho mày nghỉ dạy luôn”, tiếng chửi bới nồng nặc mùi cồn từ một người đàn ông ăn mặc xộc xệch ngay trong lớp học, trước hàng chục cặp mắt của học trò trở thành một ký ức khó quên với cô Trịnh Thị Hạnh. Cô Hạnh là giáo viên lịch sử ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Quận Tân Phú (TP.HCM).
Nhưng bằng trái tim yêu nghề, muốn làm được những điều ý nghĩa cho cuộc đời, cô Hạnh và nhiều đồng nghiệp quyết tâm không bỏ cuộc. Để rồi, trên chặng đường gieo hạt ươm mầm, nhiều nhà giáo có tâm đã trở thành nguồn sáng cho biết bao thế hệ học trò.
Lá đơn xin nghỉ việc luôn ở trong túi xách
Cô Trịnh Thị Hạnh từng có những ngày tan trường trong... nước mắt NVCC
Cô Trịnh Thị Hạnh, tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tham gia đợt tuyển viên chức giáo dục tại TP.HCM năm 2005 và có cơ hội lựa chọn nhiều trường THPT trong thành phố để giảng dạy. Thế nhưng, cô quyết định đến với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo giục thường xuyên Quận Tân Phú vì một lý do rất đơn giản: trường này gần nhà.
“Nhà chồng tôi ở Tân Phú, tôi nghĩ rằng như vậy thì quá tiện để đi làm. Tôi còn nhớ như in ánh mắt nhìn đầy ngạc nhiên của người cán bộ xét tuyển. Thầy ấy nói đi nói lại với tôi: Chính em là người chọn đấy nhé”, cô Hạnh kể lại. Quãng đường về nhà với cô Hạnh dài đằng đẵng khi người chồng giận hờn, trách cô không biết chọn lựa vì có cơ hội dạy trường “xịn” hơn thì bỏ qua.
Nhiều ngày sau đó, mẹ chồng vẫn động viên cô Hạnh xin chuyển trường khi chứng kiến những buổi đi làm về trong nước mắt của con dâu vì học trò ngỗ nghịch, không nghe lời, thường xuyên chửi thề, nói năng hỗn hào, rồi cơ sở vật chất nhà trường thiếu thốn đủ bề…
Những năm đầu tiên khi cô Hạnh mới về công tác, trung tâm này chỉ là 4 phòng học mượn từ một trường học khác, mỗi cô giáo phải tự tay khuân vác từng chiếc bàn, chiếc ghế…
Cô Hạnh và các học trò NVCC
Cô giáo lịch sử cho đến nay vẫn chưa thể quên lần đầu tiên trong đời bị một phụ huynh học sinh chửi bới ngay trong lớp học. Để kỷ luật một học sinh quá ngỗ ngược, cô Hạnh đình chỉ học sinh đó một ngày. Và ngay sau đó, cha em này, ăn mặc xộc xệch và người đầy mùi cồn đã chạy ngay vào giữa lớp học, chỉ tay, buông những lời khó nghe ngay trước mặt cô: “Mày mà đuổi con tao, tao cho mày nghỉ dạy luôn”.
Nhiều lần nghĩ tới việc xin chuyển trường, cô Hạnh luôn để sẵn một lá đơn xin nghỉ việc trong túi xách, để nộp ngay vì sợ sẽ có lúc bản thân cô không chịu nổi áp lực. Tuy nhiên, dần dần, sau nhiều lần tiếp xúc với các học trò, lắng nghe những câu chuyện đời thường của mỗi em, cô Hạnh nhận ra, mỗi trò là mỗi số phận đáng thương.
“Có những lớp tôi dạy rất nhiều học trò không ở cùng cha hoặc mẹ, có em gia đình ly hôn hoặc vì lý do nào đó phải sống nhờ một người thân nào khác. Phụ huynh các em đa phần làm lao động tự do, bốc vác, bán rau củ, nhặt ve chai, hiếm hoi lắm mới có một người là công chức. Các em thiếu thốn tình yêu thương và sự bảo ban của cha mẹ. Có những em bên ngoài luôn cố gắng chứng tỏ bản thân, bắt nạt bạn khác, đánh nhau nhưng thực ra bên trong rất yếu đuối. Các em cần nhiều hơn nữa sự bảo ban và tình yêu thương, chứ không phải sự kỳ thị và ghét bỏ”, cô Hạnh bộc bạch.
Cô Hạnh bên gia đình nhỏ của mình NVCC
Suy nghĩ đó đã níu giữ bước chân của cô giáo trẻ ở lại mái trường, đến nay đã 14 năm.
Mỗi ngày, với những bài giảng lịch sử của mình, khéo léo, từng chút một cô Hạnh nhắn gửi với các học trò bài học cuộc sống. Cô cũng nán lại sau tiết học lâu hơn, để trò chuyện và hiểu những góc khuất sau lầm lỗi của học trò.
Những bài văn thấm đẫm tình người
Một cô giáo khác cũng gắn bó với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Quận Tân Phú chừng ấy năm là cô Lê Thị Trúc, 46 tuổi, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn
Nhiều học trò sau khi ra trường đã trở thành những người bạn thân thiết của cô Trúc Sơn Ngân
Cũng giống như giáo viên mới chuyển về ngôi trường này, cảm giác đầu tiên của cô Trúc là sốc nặng khi thấy trò chưa ngoan… Ý định chuyển trường luôn thường trực trong cô Trúc, cho đến Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11 năm 2014.
“Đó là một kỷ niệm xúc động nhất của tôi sau gần 10 năm đứng trên bục giảng. Học viên lớp tối của tôi chủ nhiệm năm đó, ban ngày lam lũ mưu sinh, ban đêm tìm đến cái chữ để có một tương lai tươi sáng hơn. Trong đó, có người hơn tôi cả chục tuổi. Cả lớp đã hát tặng tôi bài Bụi phấn. Bài hát quen thuộc mà sao tôi nghe sâu sắc và ấm áp đến lạ. Tôi bất ngờ, xúc động đến rơi nước mắt. Đã gần 15 năm trôi qua, năm nào nhóm học trò lớn tuổi năm ấy cũng về thăm tôi. Thậm chí, họ đã trở thành những người bạn thân thiết của tôi”, cô Trúc chia sẻ.
Khi đến trường, cô Trúc dành nhiều thời gian để nói chuyện, hỏi thăm mỗi học trò. Cô không bao giờ nói với các trò những câu tiêu cực, hạ thấp các em. Thay vào đó, cô Trúc luôn cố gắng nhìn ra những điểm tích cực của từng em để động viên, khen ngợi các em trước các bạn để các em có niềm tin và động lực cố gắng nhiều hơn mỗi ngày.
Cô Trúc luôn cố gắng nhìn ra được những điểm tích cực của học trò Sơn Ngân
“Tôi luôn tin rằng trong sâu thẳm mỗi em đều là những học trò giỏi một tố chất nào đó. Chỉ bởi cuộc sống thiệt thòi, thiếu vắng mẹ hoặc một lý do nào đó khiến các em phải sống với những biểu hiện tiêu cực. Nếu chúng ta chỉ biết chỉ trích, lên án các em sẽ càng khiến các em lún sâu vào sai lầm mà thôi”, cô Trúc trăn trở.
Đáp đền tiếp nối
Đến ngày hôm nay, Thiện, một học sinh nam ngỗ nghịch của cô Lê Thị Trúc ngày nào đã trở thành một cán bộ của tập đoàn VNPT. Dịp 20.11 mỗi năm, Thiện đều rủ các bạn về thăm cô giáo và nhắc lại những bài văn của cô giúp anh thay đổi. “Bây giờ nghĩ lại, em còn ngán em của năm lớp 10 ngày xưa, thế mà không hiểu sao hồi đó cô lại chịu được em. Trước khi vào đây học, tâm hồn chúng em như lạc giữa khu rừng. Cô đã dắt chúng em ra khỏi khu rừng ấy và tìm thấy lối đi”, Thiện vẫn nhắc đi nhắc lại câu nói đó trong những lần về thăm cô.
Với cô Trịnh Thị Hạnh, hạnh phúc với người thầy, không gì hơn là thấy học trò của mình trưởng thành, trở thành người có ích. “Nhiều người khuyên tôi nên chuyển trường, vì nghe giáo viên dạy THPT sẽ “oai” hơn, nhưng tôi quan niệm, ở đâu thì mình cũng làm nghề. Thế nên, tôi sẽ chọn ở nơi nào mình được dạy dỗ trò nên người, làm điều có ích với cuộc đời này mà mình luôn vui vẻ, hạnh phúc. Đó chính là mái trường này”, cô Hạnh tâm sự.
Cách đây mấy tháng, học trò tên Mỹ Linh, bị bệnh ở mắt, một thân một mình từ Quảng Ngãi vào TP.HCM trọ học từ năm lớp 9, đã trở thành đồng nghiệp của cô Hạnh, cũng giảng dạy môn lịch sử. Cô học trò lớp 9 Mỹ Linh (năm nay 36 tuổi) từng nhiều lần nói với cô Hạnh: “Em chưa thấy ai dạy lịch sử hay như cô”, để rồi giờ đây sau khi hoàn tất chương trình cao học, Linh trở thành giáo viên tiếp bước con đường mà các cô giáo của Linh đã chọn.
Hay như Lộc, một học trò cô Hạnh chủ nhiệm, từng bị đuổi học nhiều lần, bà nội phải đến tận trường xin học cho cháu, luôn nhớ đến cô giáo năm nào. Chưa học hết lớp 11 và vì nhiều biến cố cuộc sống, Lộc phải dạt lên Tây Nguyên làm cà phê nhưng suốt 9 năm qua, tết nguyên đán nào Lộc cũng nhờ mẹ mua một hộp bánh xuống thăm nhà cô Hạnh. Trong lòng Lộc, cô Hạnh chính là người vực dậy cho anh niềm tin, rằng anh có thể trở thành một người tốt…
Cảm hóa những trái tim học trò một thời lầm lỗi, với những giáo viên như cô Hạnh, cô Trúc và rất nhiều những cô giáo khác ở các trung tâm giáo dục thường xuyên là một hành trình dẫu gian nan, đắng cay nhưng có cái kết đẹp… Bởi hành trình ấy bắt đầu với tình yêu và niềm tin vào con người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.