Trong bối ổ dịch Covid-19 diễn biến phức tạp liên quan các quán karaoke ở Singapore, nhiều người dân nước này không chỉ để ý đến các tiếp viên người Việt thường đến những nơi này mà còn những phụ nữ Việt khác, khiến họ bức xúc vì cảm thấy bị kỳ thị.
Theo trang AsiaOne, cô Jolin Đặng mới đây đã kể việc bị một tài xế Grab gây khó chịu khi chở cô đến Đại sứ quán Việt Nam ở Singapore hôm 16.7. Rõ ràng mặc trang phục đi làm và được đón ở một tòa nhà văn phòng, cô vẫn không hiểu sau mình bị hỏi “cô làm ở quán karaoke hả?”.
“Câu hỏi khiến tôi bị tổn thương và tôi cho rằng tất cả những phụ nữ Việt khác đang sống ở đây đều cảm thấy thế”, cô bức xúc nói.
Cảm thấy bị xúc phạm, cô chấm một sao cho tài xế trên và báo với Grab. Công ty đã giải thích với cô và nghiêm khắc cảnh báo tài xế.
Các vụ quấy rối tương tự cũng được kể lại trên mạng. Nghị sĩ Singapore Tôn Tuyết Linh chia sẻ lá thư của một người Việt gặp phải giọng điệu thù ghét tương tự.
Theo lá thư, nhiều người Việt đang chịu những lời lẽ xúc phạm khi ra ngoài mua các nhu yếu phẩm. Thậm chí một số tài xế taxi đã buộc họ xuống xe sau khi biết họ là người Việt.
“Hãy thử tưởng tượng một đứa trẻ 6 tuổi chứng kiến mẹ là người Việt bị những lời lẽ xúc phạm đó khi chở nó đến trường”, lá thư viết và cho rằng những hành vi đó gây phiền toái và lo ngại trong cộng đồng người Việt.
Tại một cuộc họp báo của lực lượng nhiều bộ ngành tại Singapore hôm 16.7, giám đốc dịch vụ y tế Kenneth Mak cho rằng vẫn chưa rõ về cách lây nhiễm cụ thể của ổ dịch trên.
Đến nay, cụm lây nhiễm này đã có 173 ca mắc và cơ quan chức năng đang truy quét các cơ sở giải trí vi phạm và trục xuất những tiếp viên. Trước tình trạng cộng đồng Việt bị quấy rối ở Singapore, nghị sĩ Tôn Tuyết Linh kêu gọi người dân nên “sáng suốt và có lòng trắc ẩn nhằm tránh tổn thương những người vô tội”.
Bình luận (0)