Chương trình được thực hiện với một ê kíp hùng hậu: chỉ đạo nghệ thuật: Trinh Hương; biên tập chương trình: Giáng Hương; chỉ đạo thiết kế mỹ thuật: Phú Vương; lời dẫn: nhà thơ Vi Thùy Linh; MC: Nguyễn Hồng Nhung (VTV2); ban nhạc: Black Rose; dàn nhạc: Semi - classic; ca sĩ: Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Hạnh, Tấn Minh, Đức Tuấn, Minh Chuyên; biên đạo: Nguyễn Phúc Hùng và nhóm múa từ Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM (HBSO).
Xúc động nhất là lúc tiếng hát Phú Quang cất lên cùng chân dung ông dần hiện ra trên sân khấu.
Em ơi, Hà Nội phố
Em ơi, Hà Nội phố xứng đáng là một kiệt tác về Hà Nội. Họa sĩ Trí Đức, một tài năng độc đáo của lĩnh vực mỹ thuật tạo hình trên cát. Bằng bàn tay tài hoa, cùng ánh sáng, đã vẽ nên chân dung nhạc sĩ và bối cảnh chính trong các tác phẩm của Phú Quang: hồ Gươm, hồ Tây, phố cổ Hà thành. Trí Đức gác mọi kế hoạch để ra Hà Nội. Anh vẽ một phần giấc mơ của Giáng Hương, con gái thứ hai của nhạc sĩ, gần một năm qua khắc khoải nỗi đau chia xa bố, vẫn được an ủi khi bố vẫn hiện trong giấc mơ, nói cho người con gái có dung mạo giống cha nhất, về cách mà ông muốn trở lại với mọi người. Phú Quang chưa bao giờ đi xa, Phú Quang vẫn thở âm nhạc trong khí quyển Hà Nội.
Nhạc sĩ Phú Quang chỉ đạo tập chương trình tại Nhà hát Lớn Hà Nội, bên cạnh là ca sĩ Tấn Minh, năm 2005 |
NSƯT Tấn Minh cung cấp |
Ca khúc được thể hiện trong chương trình qua phần hợp ca của NSƯT Thanh Lam, Hồng Nhung, NSƯT Tấn Minh, Đức Tuấn.
Bài thơ Em ơi, Hà Nội phố được viết ra khi Phan Vũ ở một mình trên gác ba số nhà 52 Hàng Bún trọn 12 ngày đêm Hà Nội bị máy bay B52 oanh tạc. Thi sĩ chứng kiến cảnh tang tóc phố Khâm Thiên, những cây bàng cụt gãy, phố xá ngổn ngang, những mảng tường xám khói và những ngôi nhà đổ nát với nhiều đôi mắt thảng thốt, gương mặt mệt mỏi âu lo nhưng vẫn kiên nghị. Phan Vũ không in ấn mà chỉ đọc cho bạn bè và chép tay tặng ai yêu thích, đến chính ông cũng từng bị "rối" vì các dị bản. Chỉ đến mùa thu 1985, duyên mệnh cho thi sĩ gặp nhạc sĩ Phú Quang, thi phẩm này mới có một sức sống mới.
Theo nhạc sĩ, ông nghe Phan Vũ đọc tại sân Nhà văn hóa Q.3 khi mới chuyển cư vào TP.HCM trong một buổi chiều. Nghe, thích ngay, nhận ra ngay có thể phổ nhạc. Với bản chép tay của tác giả, nhạc sĩ với nhạy cảm thiên bẩm và sự tinh sành thi ca, đã lọc những câu “hồn vía” nhất đưa vào ca khúc ngay tối hôm đó. Tới 1987, ca khúc phát lần đầu trên sóng phát thanh, bởi giọng hát Lệ Thu (nhiều năm qua sống ở Paris). Cuộc gặp gỡ định mệnh ấy đã kết tạo một ca khúc đỉnh cao, trở thành tác phẩm được nhớ nhất, gắn liền tên của họ, mỗi khi công chúng nhắc tới họ.
Năm 1985 cũng là năm mà nhạc sĩ Phú Quang sáng tác nhạc phim Bao giờ cho đến tháng mười. Sau mốc này, tại thành phố lớn nhất phương Nam, Phú Quang bộc lộ bút lực dồi dào qua nhạc phim, kịch, múa, hòa tấu.
Chiều đông Moskva
Ca khúc được thể hiện trong chương trình qua tiếng hát NSƯT Tấn Minh và Minh Chuyên.
Ra đời tại Moskva đầu thập niên 90 thế kỷ trước, Chiều đông Moskva là ca khúc luôn được người VN ở nước ngoài yêu cầu hát, mỗi khi nhạc sĩ Phú Quang làm ông bầu, trưởng đoàn dẫn các ca sĩ, ban nhạc du diễn. Sống ở Sài Gòn, Phú Quang luôn nhận mình là "kẻ tha hương" thì khi đi lưu diễn mấy chục quốc gia, ông càng thấm thấu tình cảnh người lao động trên đất khách. Những đồng tiền kiếm được là nước mắt, máu, thậm chí tính mạng, đổi sức khỏe, lao tâm. Chiều đông Moskva gắn với kỷ niệm đau xót khi Phú Quang gặp một thanh niên VN tốt bụng bán hàng ở chợ Vòm, lần đầu, lần duy nhất và cũng là lần cuối. Vì 3 ngày sau nhạc sĩ quay lại tặng đĩa nhạc thì biết anh qua đời vì bán hàng ngoài trời khi thời tiết quá lạnh.
Phần mở đầu buồn bã nhưng cao trào lại là tình cảm nồng nàn của riêng ông. Hình ảnh "buổi chiều đông giá trắng trong lòng tôi" là Moskva mùa đông mở không gian âm nhạc của Phú Quang cho người nghe được tới xứ sở bạch dương chiều đông ấy.
Nhạc sĩ Phú Quang hát tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM khoảng năm 1994 |
con trai Phú Vương cung cấp |
Hà Nội ngày trở về
Cũng như Em ơi, Hà Nội phố, câu hát "Vội vã trở về, vội vã ra đi" trong ca khúc Hà Nội ngày trở về (phỏng thơ: Doãn Thanh Tùng) đã đi vào đời sống thành một quán ngữ. Ham đọc và có "đôi mắt xanh" thẩm thơ, Phú Quang tinh nhạy phát hiện câu đinh chốt của tác phẩm để nói lên tình của người đi xa mà nặng lòng yêu Hà Nội. Từ ý thơ của nhà thơ đất cảng Doãn Thanh Tùng (tác giả Thời hoa đỏ), Phú Quang đã gửi lòng mình vào đó, trong gần 20 năm định cư TP.HCM. Và rồi ông đã trở về để sống trong lòng thủ đô, quê hương yêu dấu.
Gần 20 năm cuối đời nhạc sĩ cư trú gần hồ Tây, một vùng thiêng của đất kinh kỳ. Hơn 10 năm qua, giọng ca nam trữ tình hàng đầu của thế hệ 7X, NSƯT Tấn Minh, vừa là ca sĩ mà Phú Quang tin quý, vừa là cháu, bạn vong niên của ông. Tấn Minh đã hát Hà Nội ngày trở về trong Miền ký ức.
Trong ánh chớp số phận
Ý Nhi là một nữ sĩ được nhạc sĩ Phú Quang phổ thơ tạo nên các ca khúc đầy sức nặng của khát khao, day dứt. Chữ “duyên” trong cuộc đời mỗi con người thể hiện qua các cuộc gặp, những mối quan hệ. Và cái gọi là "tiếng sét ái tình" không hề ngẫu nhiên tình cờ. Tiếng sét ấy là lóe của linh giác và cảm xúc tích hợp.
Sao lại là người này mà không phải người kia: "Em đã kịp nhìn thấy Anh/Em đã dừng lại đúng nơi Anh" thì đó là khoảnh khắc "ánh chớp số phận".
Trong ánh chớp số phận (thơ: Ý Nhi) được dùng làm nhan đề Vol 3 của nhạc sĩ Phú Quang, và người được ông chọn giao thể hiện là Ngọc Anh - giọng ca hát nhạc Phú Quang được coi thành công nhất. Ngọc Anh đã ấn hành album Romance cho Ngọc Anh, Tình khúc Phú Quang với toàn bộ tác phẩm Phú Quang, do nhạc sĩ biên tập, chỉ huy, dàn dựng.
Bình luận (0)