Phú Quốc: Sông Dương Đông ô nhiễm nghiêm trọng, chính quyền tìm giải pháp cải thiện

27/11/2021 12:00 GMT+7

Sự phát triển nóng về đô thị, du lịch đã khiến môi trường sông Dương Đông bị ô nhiễm nghiêm trọng và môi trường trên đảo phú Quốc (Kiên Giang) bị ảnh hưởng ngày càng tiêu cực.

Sáng 27.11, Sở TN-MT tỉnh Kiên Giang phối hợp UBND TP.Phú Quốc tổ chức hội thảo khoa học đánh giá hiện trạng ô nhiễm và đề xuất giải pháp cải thiện môi trường sông Dương Đông.

Nước trên sông Dương Đông và một số rạch tiếp giáp nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, có hiện tượng màu đen.

XUÂN LAM

Sông Dương Đông ô nhiễm nghiêm trọng

Dương Đông là con sông lớn nhất trong 4 con sông chính trên đảo Phú Quốc, dài 21,5 km và tổng chiều dài các suối 63 km chảy qua P.Dương Đông.

Lưu vực sông Dương Đông có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.Phú Quốc, cung cấp nước chính cho sinh hoạt và hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, sự phát triển nóng về đô thị, du lịch đã khiến môi trường sông Dương Đông bị ô nhiễm nghiêm trọng, môi trường trên đảo phú Quốc bị ảnh hưởng ngày càng tiêu cực.

Kết quả quan trắc của Sở TN-MT tỉnh Kiên Giang từ năm 2018 - 2021 cho thấy có nhiều thông số ô nhiễm hữu cơ có trong nước còn vượt quy chuẩn cho phép. Đặc biệt vào giữa năm 2019, nước trên sông Dương Đông và một số rạch tiếp giáp nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, có hiện tượng màu đen, xuất hiện tình trạng cá chết.

Đoàn công tác Sở TN-MT Kiên Giang khảo sát thực tế trên sông Dương Đông

XUÂN LAM

Nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước lưu vực sông Dương Đông là do khu vực chưa có hệ thống thu gom, thoát và xử lý nước thải đô thị đồng bộ, tập trung; nước thải từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại chưa được kiểm soát chặt chẽ; chất thải rắn sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý triệt để và việc lấn chiếm lòng sông, suối và hoạt động neo đậu của các tàu thuyền với mật độ dày đặc làm suy giảm nghiêm trọng dòng chảy tự nhiên của sông…

Rào cản đối với sự phát triển của Phú Quốc

Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho rằng: “Sự phát triển nhanh chóng của đảo ngọc, áp lực gia tăng dân số, mặt trái từ tác động của các hoạt động kinh tế, trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế đã đặt ra thách thức rất lớn đối với công tác bảo vệ môi trường, nhất là môi trường nước, xử lý rác thải, nước thải trên đảo Phú Quốc. Thực trạng ô nhiễm môi trường cục bộ ở một số điểm, khu vực đã xảy ra trên địa bàn TP.Phú Quốc; trong đó có sông Dương Đông, đã và đang là vấn đề cấp bách. Nếu không có biện pháp giải quyết mang tính khả thi thì sẽ là rào cản đối với sự phát triển của Phú Quốc, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và tính bền vững trong tương lai của thành phố”.

Hội thảo nhận được nhiều tham luận, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để giảm thiểu lượng chất thải nhựa phát sinh trên sông Dương Đông và thất thoát ra biển.

Tiến sĩ Lê Minh Trường, đại diện Tổ chức WWF Việt Nam, kiến nghị cần tăng cường rà soát và xác định các vị trí cần bố trí bổ sung thùng rác để tăng tỷ lệ thu gom, đặc biệt ở các tuyến dân cư sống ven sông; tăng cường thực thi các biện pháp chế tài đối với việc vứt chất thải trực tiếp xuống sông…

Ông Đoàn Hữu thắng, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Kiên Giang, cho biết qua khảo sát thực tế chiều 26.11, đoàn công tác phát hiện nhiều cơ sở sản xuất vẫn xả thải trực tiếp xuống sông Dương Đông. Để cải thiện chất lượng môi trường sông Dương Đông, Kiên Giang cần tập trung triển khai thực hiện các dự án trong chương trình quản lý tổng hợp lưu vực sông Dương Đông đến năm 2025 như hoàn thiện hệ thống thu gom và xử lý nước thải cho phường Dương Đông; di dời dân cư sống tập trung hai bên bờ sông Dương Đông vùng hạ lưu sông; nạo vét sông Dương Đông và các rạch tiếp giáp để loại bỏ nguồn gây ô nhiễm từ bùn đáy…

Ông Đoàn Hữu thắng kiến nghị thêm: “Tạo điều kiện và phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng thế giới nhằm sớm triển khai thực hiện 4 hợp phần của dự án Quản lý nước bền vững Phú Quốc. Trong đó, có hợp phần về thu gom và xử lý nước thải, thu gom chất thải rắn và vệ sinh môi trường cho P.Dương Đông”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.