Để có đủ nguồn nhân lực phục vụ cho mục tiêu phát triển đó, thời gian qua lãnh đạo huyện này luôn quan tâm đến công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Theo báo cáo mới nhất của UBND huyện Phú Quốc, từ đầu năm đến nay huyện đã mở 12 lớp đào tạo các nghề may, móc, thêu, gia công các sản phẩm lưu niệm… để phục vụ cho ngành du lịch, với gần 500 người theo học. Điều đáng mừng là hầu hết những học viên sau khi học nghề xong đã có thể sống được bằng chính cái nghề mình được đào tạo.
Bà Nguyễn Thị Ghiêm, Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Phú Quốc, cho biết toàn huyện hiện có hơn 52 ngàn người trong độ tuổi lao động, trong đó có hơn 23.500 người lao động trên lĩnh vực nông nghiệp. “Năm 2011 là năm đầu tiên H.Phú Quốc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, theo đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi xem đây là cơ hội giúp người dân vùng quy hoạch giải tỏa, nhất là những đối tượng thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo trên đảo có điều kiện học tập và tìm kiếm việc làm ổn định cuộc sống”, bà Ghiêm nói.
Theo ông Nhan Văn Truyền, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Cửa Cạn, việc đào tạo nghề cho người lao động là rất cần thiết. “Ở xã Cửa Cạn, hầu hết người dân sống bằng nghề làm biển và trồng trọt. Đây là những công việc rất nặng nhọc, không phù hợp với những lao động nữ. Nếu được học nghề, những đối tượng này mới có cơ hội tìm được việc làm nhẹ nhàng, phù hợp hơn. Ngoài ra, đất đai bây giờ không còn nhiều do đã quy hoạch cho nhu cầu phát triển của huyện đảo. Trong khi người dân ở đây chỉ quen làm vườn, nếu không được đào tạo chuyển đổi nghề nghề họ sẽ sống ra sao?”, ông Truyền nói.
Ông Văn Hà Phong, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện, cho biết theo dự kiến đến năm 2015, Phú Quốc sẽ thu hút khoảng 800.000 lượt khách/năm, do vậy nhu cầu nhân lực phục vụ du lịch tăng bình quân 8%/năm trong giai đoạn từ nay đến 2015. Đến năm 2020, nhu cầu lao động cho ngành du lịch và các dự án vào khoảng từ 20-22 ngàn người. “Như vậy, mỗi năm huyện phải đào tạo ít nhất 2.000 lao động mới đáp ứng đủ nhu cầu. Để làm được việc này, chúng tôi đang có kế hoạch liên kết với các trung tâm, trường dạy nghề để từ nay đến 2015 đào tạo được khoảng 7.000 lao động trên địa bàn đạt trình độ từ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nghề trong lĩnh vực du lịch và sửa chữa tàu cá”, ông Phong cho biết.
Giang Sơn
Bình luận (0)