Trong khi đó, hàng năm, huyện và các xã, thị trấn đều tổ chức nhiều giải thi đấu bóng đá, bóng chuyền, cầu lông... nhằm chọn VĐV tham dự giải thể thao cấp huyện, cấp tỉnh nên đã khích lệ phong trào rèn luyện thể thao trong TTN phát triển khá mạnh mẽ. Mặt khác, do Phú Quốc đang được quy hoạch phát triển nên hầu hết các xã, thị trấn rất khó khăn trong việc dành đất làm sân bóng, bãi tập luyện TDTT. Ở các xã xa, thậm chí ngay ở thị trấn, TTN phải tạm mượn đất, hoặc chiếm cả đường giao thông làm sân đá bóng, đánh cầu…
Anh Phan Xuân Trí, Bí thư Huyện đoàn Phú Quốc, nói rằng trước giờ Huyện đoàn đã nhiều lần đề nghị xin đất để xây dựng các công trình thể thao phục vụ nhu cầu vui chơi, tập luyện của TTN trên đảo, nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng. Gần đây, một số cơ sở đoàn phải mượn đất của dân để làm sân bóng đá, bóng chuyền; nhiều đoàn viên cũng đã bỏ tiền túi đầu tư làm sân bóng đá để phục vụ cho nhu cầu của các bạn trẻ.
|
Gần đây, Trung tâm VH- TT-DL Phú Quốc đã phối hợp chính quyền các xã, thị trấn huy động nguồn lực trong nhân dân tham gia xã hội hóa TDTT. Nhiều doanh nghiệp ở thị trấn Dương Đông, An Thới, xã Cửa Dương đã đầu tư xây dựng nhà thi đấu cầu lông, sân bóng đá mini cỏ nhân tạo. Ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị và hộ gia đình còn dành diện tích sân trụ sở, đất ven nhà làm sân bóng chuyền, đá cầu, cầu lông tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, TTN vui chơi tập luyện. Tuy nhiên, để xây dựng bóng đá mini thảm cỏ nhân tạo đạt tiêu chuẩn, phải đầu tư từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng, nên chỉ những người yêu thích thể thao và có số vốn lớn mới mạnh dạn đầu tư vì giá cho thuê sân chỉ 150.000 đồng/giờ, rất khó thu hồi vốn.
Ông Võ Thành Nam, Giám đốc Trung tâm VH-TT-DL Phú Quốc, cho biết hiện có nhiều doanh nghiệp xin liên kết hoặc thuê đất của trung tâm quản lý để đầu tư sân bóng đá. Trung tâm cũng mới thành lập một CLB hát với nhau, mỗi đêm thu hút gần 500 người là dân địa phương và khách du lịch tham dự. Hiện trung tâm cũng đang liên kết với các khách sạn, nhà nghỉ để nếu du khách đến Phú Quốc có nhu cầu vui chơi thể thao thì có thể đến tập luyện tại Trung tâm VH-TT-DL huyện. Ngoài ra, theo ông Võ Thành Nam, muốn khắc phục tình trạng thiếu sân vui chơi, tập luyện, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa TDTT, ngành chức năng cần có đề án phát triển cụ thể. “Thực hiện xã hội hóa TDTT phải đồng bộ, không chỉ ở vùng thị trấn, mà phải quan tâm phát triển cả ở các xã đảo. Tùy điều kiện kinh tế, người ở các xã đảo còn khó khăn có thể liên kết với địa phương xây dựng một số loại hình đơn giản, đỡ tốn kém như: sân bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn... phục vụ nhiều đối tượng, nhiều bộ môn thể thao”, ông Nam đề xuất.
Giang Sơn
Bình luận (0)