Phủ sóng 5G khắp Việt Nam: Nhà mạng đối mặt nỗi lo đầu tư

27/12/2024 13:58 GMT+7

Bài toán đầu tư để phủ sóng 5G vẫn đang gây khó cho nhà mạng vì chi phí lớn nhưng doanh thu về chưa cao, trong khi hạ tầng chung vẫn chưa thể theo kịp tốc độ triển khai.

Từ giữa tháng 10.2024, Việt Nam chính thức phủ sóng 5G thương mại và đạt được tốc độ phát triển thuê bao nhanh chóng. Nhiều cơ hội mới được mở ra nhưng đi kèm với đó là không ít thách thức cho các nhà mạng. Theo ông Nguyễn Tuấn Huy - Trưởng ban Chuyển đổi số MobiFone, thách thức đầu tiên là khung pháp lý khi đến nay Việt Nam vẫn chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ, tiêu chuẩn cũng chưa có. "Nhập thiết bị hãng nào? Về có phát sóng được không? Có gây nhiễu thiết bị khác được không? Rất nhiều vấn đề!", ông Huy nêu tại buổi tọa đàm "Thương mại hóa 5G, ứng dụng vào ngành công nghiệp thông minh" mới diễn ra ở Hà Nội.

Ông Nguyễn Tuấn Huy

Ông Nguyễn Tuấn Huy đánh giá hạ tầng hiện nay chưa theo kịp 5G

Ảnh: Anh Quân

Một vấn đề lớn khác là để phủ sóng 5G khắp cả nước với chất lượng đảm bảo cần số lượng trạm phát cực lớn, lên tới hàng trăm nghìn trạm, do tầm phát 5G ngắn hơn so với 3G hay 4G. Điều này trực tiếp gây khó cho doanh nghiệp viễn thông trong vấn đề đầu tư bởi chi phí cho một trạm BTS 5G rất lớn. Ở chiều ngược lại, mức độ chấp nhận và chi tiêu cho 5G ở cả người dùng cuối (khách hàng cá nhân) lẫn doanh nghiệp đều chưa cao.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó ban Công nghệ Tập đoàn VNPT nhấn mạnh 5G đã cho thấy các giá trị và lợi ích rõ rệt, người dùng được hưởng chất lượng về tốc độ dịch vụ, độ trễ thấp. "Nhưng khách hàng lại chưa sẵn sàng chi trả. Khảo sát cho thấy doanh thu mà 5G đem lại còn khiêm tốn", đại diện hãng trình bày.

Hiện nay, hạ tầng cũng đang đặt ra vấn đề cho các dự án phát triển tận dụng sức mạnh của 5G, trong đó có đô thị thông minh. Công nghệ 5G được nói nhiều về khả năng đáp ứng các thiết bị tự hành, ví dụ xe tự lái, nhưng để hiện thực hóa điều này lại cần xét tới hạ tầng thực tế. "Muốn phát triển 5G phải có 4.0, nhưng phải có 1.0, 2.0, 3.0 trước đã. Ý tôi là cơ sở hạ tầng chưa theo kịp. Drone (thiết bị bay điều khiển từ xa - PV) làm sao triển khai được khi dây điện chằng chịt? Đường Hà Nội làm sao đi được xe tự lái?", ông Nguyễn Tuấn Huy ví von.

Phủ sóng 5G góp phần chuyển đổi số cũng được xác định là "hành trình dài hơi" bởi để ứng dụng các công nghệ mới, nhóm khách hàng tiềm năng mang lại doanh thu cho nhà mạng là những tổ chức, doanh nghiệp, khu công nghiệp... phải thay đổi toàn bộ phương thức sản xuất kinh doanh cũ không còn phù hợp, phải đầu tư nhiều hơn. Điều này đòi hỏi sự đồng hành và thấu hiểu giữa bên cung cấp và bên sử dụng dịch vụ 5G.

Cơ hội phủ sóng 5G hiệu quả hơn

Việc phủ sóng 5G tại Việt Nam cần số lượng trạm BTS rất lớn

Việc phủ sóng 5G tại Việt Nam cần số lượng trạm BTS rất lớn

Ảnh: chụp màn hình

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT) đã công bố kế hoạch đấu giá băng tần 700 MHz, được đánh giá là cơ hội để nhà mạng nâng cao vùng phủ sóng 5G, vươn tới cả khu vực vùng sâu, vùng xa. Với sự kết hợp của băng tần thấp lẫn băng tần cao, chiến lược thương mại hóa 5G sẽ phát huy được hiệu quả mạng lưới và tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư.

Nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng nhận định khi triển khai công nghệ mạng di động mới, có 4 yếu tố cần quan tâm gồm: mạng lưới, thiết bị đầu cuối, ứng dụng và con người.

Về mạng lưới, hiện các nhà mạng tại Việt Nam đã triển khai. Đối với thiết bị đầu cuối, nguyên lãnh đạo Bộ nhấn mạnh doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ để triển khai mạng lưới đồng bộ với thiết bị 5G tương thích tại Việt Nam. Nhà mạng được khuyến khích triển khai hạ tầng đi kèm phát triển thiết bị, ứng dụng lẫn phát triển nguồn lực, có bước đi phù hợp và đồng bộ để tối ưu chi phí cũng như vận hành.

Ông Lê Nam Thắng đánh giá thời điểm này khác so với thời phát triển dịch vụ 3G, khi doanh nghiệp viễn thông xây dựng mạng lưới, người dân tự mua thiết bị. "Doanh nghiệp nên đưa ra các giải pháp trọn gói, không chỉ phủ sóng 5G mà đưa ra thiết bị mạng lưới, cung cấp ứng dụng, giải pháp, đào tạo nguồn lực", ông Thắng chia sẻ về cơ hội giúp doanh nghiệp viễn thông truyền thống chuyển mình thành công ty công nghệ trong thời kỳ mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.